Hào Anh đuổi cha mẹ vì không khống chế được hào quang giả

“Hào Anh nhận được “hình ảnh ông chủ” một ngôi nhà, sổ tiết kiệm, xe… mà chưa đủ bản lĩnh để quản lý, để khống chế sức cám dỗ cũng như “hào quang” giả của nó nên tâm lý bị choáng và ứng xử lệch pha…”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ Môn Tâm lý học, Đại học sư phạm TP HCM nói. 

Liên quan đến sự việc Hào Anh đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ Môn Tâm lý học, Đại học sư phạm TP HCM và ông đã “giải mã” việc vì sao Hào Anh từ nạn nhân của một vụ bạo hành chấn động dư luận trở thành người có những hành vi bạo hành đối với chính mẹ đẻ của mình.

– Thông tin Hào Anh – nạn nhân của vụ bạo lực trẻ em kinh hoàng 4 năm trước, nay có hành vi bạo ngược mẹ đẻ đang được quan tâm và gây bức xúc trong dư luận. Ông cảm thấy thế nào trước thông tin này?

-Thực sự tôi cảm thấy rất buồn! Đầu tiên là buồn cho Hào Anh. Buồn cho thanh niên Hào Anh đã trưởng thành và có thể có người yêu… Buồn cho bạn gái của Hào Anh nếu có… Vì người ta không thể thương người khác thật lòng và bền chặt nếu không thương chính cha mẹ đẻ của mình… Tôi có thể thông cảm cho Hào Anh nhưng nếu nói rằng say mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì đáng buồn…

Hào Anh đuổi cha mẹ vì không khống chế được hào quang giả - Ảnh 1

Hào Anh cùng mẹ, cha dượng và em trai khi về nhà mới.

Buồn cho cả gia đình Hào Anh… Buồn cho những tấm lòng tốt, cho những giá trị nhân văn đã từng hướng đến Hào Anh nhưng Hào Anh đã không thể trưởng thành đúng hướng…

– Với góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, Ông lý giải thế nào về quá trình Hào Anh từ nạn nhân trở nên như thế?

-Tôi cho rằng Hào Anh có những thương tổn nhất định nếu như không muốn nói sâu sắc. Đây cũng là lần cuối tôi viết về Hào Anh qua sự vụ này và cũng có thể là mãi mãi… Vì tôi cũng từng nói về Hào Anh cách đây bốn năm… Rất tiếc, những thương tổn của Hào Anh không được “bù đắp” hay “xoa dịu đầy đủ và đúng nghĩa…”.

Hào Anh còn rất trẻ đã thương tổn… Lẽ đương nhiên, Hào Anh rất cần một tình thương… Nhưng khi cảm nhận mình chưa đủ tình thương có thể sẽ hằn học… Hào Anh cũng đang trong quá trình tìm tình thương từ người khác, chắc chắn Hào Anh có thể nhận thức chưa chín hoặc có dấu hiệu lệ thuộc nhất định vào mục tiêu duy trì và giữ gìn tình cảm bằng mọi cách…

Hào Anh bị ảnh hưởng bởi những giá trị vật chất và những giá trị hình thức quá sức nên Hào Anh đã bị “đắm” trong chuỗi hành vi sai lầm liên tục… (xoay quanh chuyện tiêu xài, mua sắm, ứng xử,…). Hào Anh nhận được “hình ảnh ông chủ” một ngôi nhà, sổ tiết kiệm, xe… mà chưa đủ bản lĩnh để quản lý, để khống chế sức cám dỗ cũng như “hào quang” giả của nó nên tâm lý bị choáng và ứng xử lệch pha…

Đó là chưa kể Hào Anh chọn bạn để chơi, những người xung quanh và kể cả một vài cá nhân từng nghi oan cho em ấy, điểm tựa gia đình có phần không toàn vẹn (dù trên bình diện lý thuyết) đã dẫn đến hành vi của Hào Anh: lệch lạc và xộc xệnh xét trên chuẩn hành vi…

– Từ câu chuyện của Hào Anh, phải chăng những đứa trẻ sống trong bạo lực thì khi lớn lên sẽ có nguy cơ có hành vi bạo lực cao hơn những đứa trẻ khác?

– Những nghiên cứu tâm lý cho thấy trong khi khảo sát hồ sơ của những trẻ em phạm pháp hoặc có nguy cơ phạm pháp bằng những hành vi lệch chuẩn thì có đến 70% trong số ấy gia đình của trẻ có vấn đề.

Hào Anh đuổi cha mẹ vì không khống chế được hào quang giả - Ảnh 2

Hào Anh 4 năm trước, khi bị chủ hành hạ.

Những khảo sát trên số lượng mẫu hơn trên 1000 trẻ ở những nghiên cứu tại Mỹ cho thấy trẻ em “đầu trộm đuôi cướp” đã lớn lên ở những dạng gia đình như sau: bố mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, hoặc là cha hoặc mẹ có thêm người khác, cha và mẹ đã đi bước nữa, cha và mẹ có làm một công việc có nguy cơ phạm pháp…

Không thể khó khăn để nhận ra rằng sự hụt hẫng về mặt tâm lý đem lại cho đứa trẻ những biến đổi rất mạnh mẽ trong đời sống tâm lý. Trẻ mất tự tin vào chính mình, không còn điểm tựa gia đình, không còn một lý tưởng sống mãnh liệt, thiếu hẳn niềm tin…

Lẽ đương nhiên, đó là nghiên cứu mnag tính tương tác mô hình… Nhưng thực tế là điều không thể phủ nhận trước những biểu hiện cha mẹ ứng xử không hợp lý với con cái theo hướng quá chìu chuộng hay quá lạnh lùng đều dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc…

– Vậy câu chuyện của Hào Anh hôm nay, theo ông có liên quan đến cách xã hội giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương trước đây? Ngoài việc hỗ trợ tiền bạc, xã hội cần làm cho các nạn nhân điều gì khác?

– Tôi cho rằng việc cộng đồng hay xã hội quan tâm là điều cần được vinh danh. Đây là truyền thống của người Việt. Xã hội không phải là một cá nhân, một con người nào cả mà đó là người Việt với văn hóa Việt, nhân cách Việt. Hỗ trợ các cá nhân thương tổn là điều cần thiết nhưng đấy là chưa đủ.

Ngay từ đầu, mẹ Hào Anh dường như mặc định là mình không có chút “trách nhiệm” nào trong việc ứng xử trước khoản ủng hộ con mình… Đó phải chăng là vấn đề ngay từ đầu? Còn Hào Anh được cho gì từ sự giúp sức? Việc học nghề đến giờ đã thành chưa? Những thương tổn của Hào Anh đã được hỗ trợ ra sao? Việc điều trị những vấn đề tinh thần của Hào Anh nếu có đến đâu và liệu trình ra sao?

Hào Anh đuổi cha mẹ vì không khống chế được hào quang giả - Ảnh 3

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ Môn Tâm lý học, Đại học sư phạm TP HCM.

Hào Anh rất cần một mái ấm và cần sự giáo dưỡng. Đó là sự tác động đồng bộ, liên tục và thường xuyên từ mẹ, từ chuyên viên xã hội, từ cán bộ xã – phường, từ các Hội ban ngành đoàn thể… Tiếc là chúng ta có thể làm, đã làm nhưng chưa hẳn là hiệu quả.

– Vậy liệu có cần có những chuyên viên công tác xã hội, những chuyên viên tâm lý sẽ quan tâm đến những trường hợp này? Và nếu nhu cầu đó là thực sự thì có quá tải?

– Tôi nghĩ xã hội đang phát triển cần lắm sự quan tâm như thế. Chuyên viên tâm lý hay chuyên viên xã hội sẽ có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề này dưới góc độ tiếp cận “ca” lâu dài… Còn việc chuyên viên ấy thuộc tổ chức nào hay thuộc ai chủ quản chỉ cần làm nghề bằng trái tim và có những đánh giá về công việc tương đối thì đã đảm bảo… Ngay cả địa phương cũng phải có trách nhiệm và hỗ trợ tối đa cho việc này cũng như không được phép có những định hướng sai…

Nhu cầu ấy phát triển và xã hội đáp ứng minh chứng cho tầm nhìn nhân văn. Lẽ đương nhiên, mọi sự vẫn dựa trên nền tảng của sự tự nhiên. Nhưng nếu cộng đồng quan tâm thì sự đầu tư cho nhân lực để làm nghề là điều rất cần.

Xã hội còn nhiều Hào Anh tương tự thế cần có sự quan tâm lâu dài và hệ thống. Trách nhiệm này không chỉ của một cá nhân hay tổ chức.

Xin cám ơn Ông!

H.Minh

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *