HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI PHỤ HUYNH HỌC SINH – CẦN NHÌN NHẬN HỢP LÝ

Gia đình có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của mỗi cá nhân, là môi trường đảm bảo sự giáo dục, truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hoá truyền thống. Giáo dục gia đình là một bộ phận hữu cơ của sự nghiệp giáo dục chung. Vì thế, nhất thiết nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với gia đình. Sự phối hợp này là điều kiện cơ bản để làm tốt việc giáo dục của nhà trường và việc giáo dục của gia đình, là yếu tố đảm bảo tính thống nhất giáo dục, là biện pháp để xây dựng nhà trường và thực hiện mục tiêu giáo dục. Hội phụ huynh học sinh là một tổ chức được hình thành với mục đích phối hợp và thắt chặt mối quan hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường. Nhưng hiện nay có khá nhiều ý kiến khác nhau về hình thức hoạt động và cách thức tổ chức của Hội. Thực tế cho thấy không ít nơi hoạt động có tính hình thức, biến tướng thành một tổ chức phụ thuộc vào nhà trường, hoạt động không đúng chức năng và thiếu công tâm làm cho nhiều cha mẹ học sinh phải bất bình. Cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều chưa có cái nhìn thực sự hợp lý về vai trò và hoạt động của Hội phụ huynh học sinh từ đó ít nhiều nảy sinh ra mâu thuẫn và đi chệch khỏi mục đích hoạt động ý nghĩa của hội.

Nội dung hoạt động của Hội phụ huynh học sinh là tập trung vào vấn đề làm sao nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện cho học sinh. Nhiều nơi tổ chức này hoạt động có hiệu quả góp phần tích cực vào việc tăng cường mối hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường nhằm phối hợp nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh. Nhưng hiện nay vai trò của Hội vẫn chưa được phát huy một cách toàn diện và thường xa đà vào đóng góp các loại tiền quỹ, vận động hỗ trợ nhà trường nhiều hơn là quan tâm đến việc thực hiện và triển khai các hoạt động nhằm phối hợp với nhà trường. Mỗi năm nhà trường và phụ huynh gặp nhau chỉ thông qua các cuộc họp đầu năm và tổng kết học kỳ. Hoạt động giữa Ban đại diện phụ huynh và nhà trường cũng bó hẹp trong khuôn khổ trao đổi góp ý và hỗ trợ. Tất cả đều mờ nhạt rồi cứ thế chẳng ai quan tâm và khắc khe nhiều nữa đến hoạt động của hội. Phụ huynh cứ đóng tiền theo yêu cầu, lẳng lặng ngồi yên đó nghe giáo viên và ban đại diện thông báo rồi lại lăng lẽ ra về. Chị T làm công tác này đã được 2 năm cho biết: “ Mình muốn làm phong phú thêm các hoạt động của Hội phụ huynh trong lớp, cũng có xem phim và thấy các phụ huynh nước ngoài cùng tổ chức các ngày hội cho con rất hay như ngày hội nghề nghiệp, ngày hội vật nuôi, ngày hội văn nghệ gia đình…Mình có hỏi ý kiến để dự định tổ chức nhưng các phụ huynh cứ im lặng và chợt nhìn thấy một cái bỉu môi…Mình cũng chạnh lòng…”

Có thể thấy có rất nhiều phụ huynh tâm huyết với hoạt động của Hội. Họ trăn trở để có những ý tưởng và phát kiến giáo dục dành cho hội nhằm liên kết với các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Bởi lẽ phụ huynh ngày nay đã tiếp cận với thông tin giáo dục và các vấn đề xã hội một cách nhanh chóng. Chính bản thân họ muốn con mình được giáo dục trong một môi trường năng động, đa dạng và đầy tích cực. Nhưng  đôi khi sự nhìn nhận và đánh giá không khách quan từ người ngoài cuộc khiến họ mất đi lửa nhiệt huyết. Phụ huynh đã thế mà đôi khi chính nhà trường xem Hội phụ huynh như nguồn lực hỗ trợ tài chính hơn là một cánh tay cùng mình thực hiện công tác giáo dục. Thậm chí, tuy danh nghĩa là “phụ huynh bàn” nhưng ở nhiều cuộc họp với đại diện phụ huynh cả trường, nhiều lãnh đạo trường vẫn gợi ý việc thiếu cái này, cần cái kia để mong phụ huynh đóng góp. Những cuộc họp ít xoáy sâu và những hoạt động cụ thể của phụ huynh, những ý kiến nhằm làm cho hội hoạt động một cách sinh động và thiết thực hơn. Nhà trường chưa đặt đúng vị trí của Ban đại diện phụ huynh trong tương quan với các lực lượng xã hội khác mà nhà trường có quan hệ.

Cha mẹ học sinh hiện chỉ dừng lại ở việc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ học bổng chứ chưa có công trình nào phối hợp trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, góp phần nâng cao giáo dục toàn diện. Chính vì lẽ ít hoạt động thiết thực mà chỉ loay hoay mãi cái vòng đóng tiền và góp ý kiến nên không tránh khỏi tình trạng phụ huynh quay lưng lại với Hội, họ tham gia vào Hội như một điều bắt buộc để con đi học. Trong sự phát triển và nhu cầu hiện nay, hoạt động của hội cần thiết phải có nhiều hoạt động khác nhau để làm cầu nối giữa phụ huynh và trường được tốt hơn. Khi các bậc phụ huynh thấy được sự minh bạch, rõ ràng và có người đứng đầu toàn tâm toàn ý vì hoạt động hội thì họ sẽ an tâm hỗ trợ cả tài lực, trí lực chứ không thản nhiên và im lặng như hiện nay. Muốn tìm được người tâm huyết không khó nhưng tìm được người biết cách xây dựng và điều hành hoạt động của Hội không phải dễ. Thực tế, kinh nghiệm làm Hội chưa được chú trọng, việc đào tạo và tập huấn phụ huynh trong việc làm ban đại diện phụ huynh chưa được quan tâm và triển khai. Hội không thể làm tốt khi chưa biết mình cần phải làm gì? Dù biết nhưng chưa được hướng dẫn thì sẽ chẳng khác nào người mù đi trong bóng tối. Trong lĩnh vực giáo dục, hàng năm biết bao nhiêu tấm gương được nêu tên nhưng quả thật là khó để tìm một gương mặt Ban đại diện phụ huynh được ca ngợi. Bởi vì hoạt động của Hội quá mờ nhạt hay Hội chưa được sự quan tâm và xác định đúng tầm quan trọng?

Ông Ba đã gần 4 năm làm Ban đại diện phụ huynh, ông xuất thân từ một cựu chiến binh… Vì có lẽ là cựu chiến binh nên ông được giáo viên chủ nhiệm và các bậc phụ huynh đầy tin tưởng khi bổ nhiệm chức Ban đại diện phụ huynh của lớp, rồi được tiến cử thành ban đại diện phụ huynh của trường. Lúc đầu ông cũng khá ngần ngại khi được mọi người ứng cử nhưng với sự động viên của cô con gái lúc bấy giờ đang học lớp 6, ông không nghĩ nhiều nữa mà chỉ nghĩ đến trách nhiệm của một người cha đối với sự trưởng thành của con mình. Ông cùng Ban đại diện phụ huynh của trường tạo ra hàng trăm học bổng hàng năm dành cho học sinh nghèo. Đến Lễ Tết ông lại cùng ban đại diện và một số thầy cô đến gia đình các em có hoàn cảnh đặc biệt để tặng quà. Cứ loay hoay mãi những việc quen thuộc như thế, ông quyết định mạnh dạn đề xuất với Ban giám hiệu ngoài những đợt họp phụ huynh định kỳ thì tổ chức những buổi chuyên đề về phương pháp giáo dục con cho phụ huynh. Không phải lúc nào ông cũng xuất hiện ở trường nhưng hình ảnh của ông bỗng quen thuộc và thân thương với rất nhiều học sinh. Làm việc hầu như việc mài suốt cả năm với những kế hoạch, những thu chi, với những suy tư cân đối những quyền lợi của học sinh, phụ huynh và nhà trường… Dù không nhận được một đồng lương nào mà đôi khi còn kèm theo nghi ngờ, dè dặt mỗi lần họp phụ huynh… Nhưng đối với ông đó không chỉ là một trách nhiệm thiêng liêng với con gái mình mà còn là nghĩa vụ giáo dục thế hệ trẻ bằng những hình thức gián tiếp mà ông tự hào khi được gánh vác. Bây giờ ra đường hay bắt gặp những cái gật đầu chào hỏi của phu huynh khác, ông cảm nhận được mình đã nhận được sự tin tưởng. Và đối với ông, đó là “đồng lương” xứng đáng nhất!

Chị Thanh chỉ là nhân viên kế toán ở siêu thị nhưng với sự nhiệt tình chị hiện tại đang làm Ban đại diện phụ huynh học sinh. Lúc đầu mới làm một học kỳ chị đã muốn từ chức bởi con chị bị bạn bè ghét vì được các phụ huynh khác “nói xấu” mẹ sau lần họp phụ huynh, bị bạn bè thờ ơ mà chị thấy buồn và thương cho con. Nhưng cũng từ đó chị nhận ra rằng cách thức hoạt động của phụ huynh cần phải công khai để tạo sự tin tưởng cho phụ huynh và làm sao để phụ huynh đều nắm bắt được các hoạt động của hội là một điều hết sức cần thiết.  Chị hiểu phụ huynh rất ngại nói và đưa ra ý kiến nên mỗi lần có vấn đề gì chị đều làm bảng thăm dò gửi đến phụ huynh. Chị nhờ một phụ huynh hiểu biết về công nghệ thông tin lập ra một diễn dàn phụ huynh trong lớp. Mọi thông tin, tình hình của học sinh đều được giáo viên và chị cập nhật thường xuyên. Một số giờ sinh hoạt giáo dục ngoài giờ lên lớp, chị phối hợp với giáo viên chủ nhiệm mời một số phụ huynh làm trong lĩnh vực có liên quan đến chia sẻ cho các em những điều thực tế trong cuộc sống. Chị tâm sự: “Công việc thật sự thì không vất vả nhưng cần mình phải tinh tế và khéo leo một chút, và đừng quá so đo tính toán thiệt hơn…”. Ngày họp phụ huynh tổng kết năm học chị đã nhận được rất nhiều cái bắt tay cảm ơn…

Quan niệm xưa nay, với một thành kiến nào đó người ta vẫn cho rằng người nằm trong Ban đại diện phụ huynh học sinh cần phải giàu một chút, có đại vị xã hội một chút thì “mới làm nên chuyện”. Nhưng thực chất, để làm tốt công tác này đòi hỏi người làm phải có cái tâm và lòng nhiệt tình thật sự, sẵn sàng lắng nghe những phản hồi, đóng góp của phụ huynh.  Và điều quan trọng là họ phải công tâm và khéo léo trong giao tiếp ứng xử và có khả năng vượt qua những áp lực. Bởi họ là người đứng mũi chịu xào một bên là nhà trường, một bên là phụ huynh. Nhưng để người có lòng có thể thực thiện tốt trách nhiệm của mình thì cần lắm những sự hỗ trợ và chung tay từ các bậc làm cha làm mẹ khác, cần lắm sự nhìn nhận và đánh giá đúng chức năng của hội phụ huynh từ phía nhà trường. Nhà trường cần nâng đỡ, ủng hộ sáng kiến của Hội, biết đặt ra, gợi ý cho Hội những công việc thiết thực, có hiệu quả và chủ động hỗ trợ Hội giải quyết khó khăn trong hoạt động. Cũng cần lắm những đóng góp, những ý kiến chân thành, những định hướng thiết thực từ xã hội hơn là sự chê trách để hội có thể thoát khỏi tình trạng hoạt động mập mờ như hiện nay. Và trên hết cần chính người trong cuộc xác định và hiễu rõ chức năng, vai trò của Hội phụ huynh học sinh để họ định hướng đúng đắn cho mình những phương thức hoạt động phù hợp, mạnh dạn đổi mới và phát kiến tránh chạy theo lối mòn cũ mà bỏ mất một sự hỗ trợ đắc lực cho công tác giáo dục con cái mình.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Phó chủ tịch hội tâm lí học Xã hội Việt Nam

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *