Khi nhiều người cố tình đi tìm danh hiệu, dùng mối quan hệ để làm trang sức, tận dụng những “đạo cụ” có sức mạnh thuyết phục để “lòe” người khác thì cuộc sống sẽ rối ren hơn
Trong cuộc sống, ai cũng muốn có sức mạnh nên phải trang bị cho mình bằng nhiều cách. Trang bị sức mạnh bằng chính nội lực và lẽ phải trong ứng xử thì không cần phải bàn cãi. Vấn đề là có người trang bị sức mạnh từ những mối quan hệ bên ngoài hay kim tiền, bằng một thế ảo, lớp áo hào quang hoặc “chiếc bóng” của sự quen biết. Vấn đề là không ít người vẫn dễ dàng tin vào những sức mạnh ấy. Đó là một thực tế xã hội mang tính tâm lý của sự giả danh.
Yếu thế về tâm lý
Đã xảy ra trường hợp muốn được một bác sĩ hàng đầu phẫu thuật điều trị bệnh cho mình nhưng không nhận được sự đồng ý nên có hành vi thể hiện việc hù dọa, dẫu là tương đối: tôi là cộng tác viên của một tờ báo. Ở đây, có việc hy vọng dùng sức mạnh của hào quang công việc để khuất phục bác sĩ. Rõ ràng ẩn chứa sâu sắc trong câu chuyện này là một thói quen của nhiều người: dùng sức mạnh của mình để thuyết phục, trấn áp, bắt chẹt người khác để đạt những mục đích cá nhân.
Minh họa: KHỀU
Trong xã hội, những việc tương tự xảy ra không ít. Có người điều khiển ô tô nhưng bỏ cái nón công an lên đầu xe để CSGT nể mà bỏ qua nếu vi phạm; có người dùng một hai biểu hiện bên ngoài liên quan đến trang phục hay sắc phục để lòe người khác; có người giả danh cả cấp tướng, cấp tá, con cháu quan chức để lừa cơ quan chính quyền.
Nhiều người dễ bị quyến rũ bởi sự hào nhoáng hay màu sắc của những yếu tố hình thức. Từ đó, dễ mặc định rằng nên tin và tin. Đó chính là sự yếu thế về tâm lý. Có người hoàn toàn không tự tin chính mình, không tin tưởng về những điều mình đang làm nên dễ dàng tin vào sức mạnh của sự áp đặt. Đó là chưa kể thói quen cả nể, đặc cách, nuông chiều hay ưu ái cho một nhóm đối tượng “đặc biệt”, khiến cho hành vi khoe mẽ sức mạnh bên ngoài hay trưng bày sức mạnh hình thức trở nên thắng thế.
Người biết tận dụng thói quen này cũng tỏ ra rất thông tuệ và biết “điểm huyệt” người khác rất phù hợp. Chắc chắn rằng người khác sẽ nể nang hình thức, sẽ có những ưu tiên nhất định, dễ bị lung lay bởi sức mạnh bên ngoài. Thế là chiếc bẫy được giăng ra một cách êm ái. Mượn hình ảnh chụp chung với người nổi tiếng để tiếp thị hình ảnh cá nhân, mượn đồ vật hay vật dụng mang tính ngành nghề để dễ bề hành động theo mục tiêu. Khai thác hình ảnh của một nhóm nghề hay một nhóm cá nhân nào đó để chiếm thế thượng phong và biết rằng không ít kẻ “yếu bóng vía” sẽ dễ bề bị thuyết phục theo định hướng.
Mất tất cả vì háo danh
Nhiều người Việt vẫn tin “sái cổ” vào những yếu tố thuộc về hình thức, những hư danh bên ngoài, thậm chí là những chi tiết nhỏ nhoi liên quan đến vật ngoài thân. Chẳng hạn: tin vào logo của một đài truyền hình đến mức mất vài chục triệu đồng nhưng chờ mãi vẫn thấy bản thân hay cơ sở của mình được lên tivi; tin vào cái bằng khen mẫu đầy màu sắc và cái biển tên tự chế để mất cả lượng vàng khi mua giải thưởng của một danh hiệu “ma”… Hậu quả là người ta mất cả niềm tin, tiền bạc và thời gian.
Thói háo danh thụ động của con người, thói ngưỡng mộ hào quang, tính thiếu công bằng hay ưu ái không cơ sở và sự thiếu nghiêm túc cũng như không thận trọng đòi hỏi bằng chứng sẽ làm cho người chủ động lừa cảm thấy mình đánh trúng đích sao dễ quá. Người bị lừa thì thật đắng cay nhưng cũng chẳng thể xoay chuyển tình hình vì không muốn thừa nhận mình ham hố, ngưỡng mộ sự giả danh.
Khi người ta cố tình đi tìm danh hiệu, dùng mối quan hệ để làm trang sức, tận dụng những “đạo cụ” có sức mạnh thuyết phục để lòe người khác thì cuộc sống sẽ rối ren hơn. Chỉ cần bình tĩnh một chút, bớt đi sự ngưỡng mộ hư danh, giảm sự ưu ái không công bằng thì trật tự sẽ được vãn hồi, dù chỉ tương đối.
Mắc thói “sợ”
Chủ một doanh nghiệp ở quận Thủ Đức, TP HCM kể có người gọi điện thoại xưng là ở cơ quan quản lý lao động của địa phương, chất vấn vì sao đơn vị không cử người đi họp theo thông báo để nghe phổ biến các chủ trương mới về an toàn lao động. Sự thực đơn vị không hề nhận được thông báo nên anh phân trần nhưng người này vẫn truy vấn khiến anh đâm ngại, nghĩ biết đâu do văn phòng đơn vị sơ suất làm thất lạc thông báo. Thế rồi, người gọi điện bày tỏ thông cảm và đề nghị nếu đơn vị chưa tham gia thì để họ gửi tài liệu đến nhưng đây là tài liệu in ấn nên phải mua theo giá bìa. Thấy thế cũng ổn nên đơn vị bỏ tiền mua nhưng băn khoăn vì tài liệu không thấy có quy định gì mới. Sau này, khi có điều kiện dò hỏi, anh mới biết không hề có một cuộc họp nào như thế và đã rơi vào bẫy của nhóm người in sách bán giá cao. Mất một khoản tiền, tuy không nhiều nhưng vẫn thấy “đau” vì mắc cái thói “sợ”. Sau này, quá nhiều trường hợp xưng hết cơ quan này đến cơ quan khác để bán sách, anh đều quyết liệt từ chối. Việc nhỏ nhưng bài học thì quả là không nhỏ. H.Đặng ghi
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)