Muốn được biết càng nhiều càng tốt nhưng vẫn còn e ngại, đó chính là tâm trạng chung của hầu hết học sinh tham gia buổi ngoại khóa này. Khi nhận được câu hỏi: “Có bao nhiêu bạn ở đây đang yêu?” thì chỉ có khoảng 15% học sinh thú nhận điều này. Tuy nhiên, khi câu hỏi thứ 2 được đặt ra: “Có bao nhiêu bạn biết bạn bên cạnh mình đã có người yêu?” thì có đến… 95% học sinh giơ tay công nhận là mình có biết. Điều này đã phần nào khẳng định sự tồn tại của tình yêu tuổi học trò mà các em ngại thú nhận.
Để các em dễ dàng chia sẻ hơn, TS. Huỳnh Văn Sơn đã ví von: Trong hóa học, tình yêu là phản ứng kết tủa, oxy hóa khử, là phản ứng tỏa nhiệt; trong vật lý học, tình yêu là sự “hút nhau” của hai cực trái dấu…
Bằng chứng là khi gặp ai đó mà mình thầm thương trộm nhớ, có chút cảm tình thì dù là nam hay nữ các bạn cũng cảm thấy “nóng” lên và có những cảm xúc khác nhau; khi ngồi kế bên nhau thì hai bạn nam – nữ thích hoặc có cảm tình với nhau sẽ có khuynh hướng gần nhau.
Tuy nhiên, TS. Sơn khẳng định: “Những dấu hiệu ấy vẫn chưa đủ để khẳng định tình yêu. Mà tình yêu muốn vững như “kiềng ba chân” thì cần hội tụ 3 cạnh của một tam giác đều, đó là 3 yếu tố: sự hấp dẫn về giới tính, sự hiểu biết – đồng cảm lẫn nhau và đặc biệt là khả năng kéo dài quan hệ yêu đương.
TS. Sơn cho rằng, sự hấp dẫn về giới tính, sự hiểu biết và đồng cảm lẫn nhau chính là yếu tố rất quan trọng trong tình yêu. Hấp dẫn về giới tính thì không cần phải nói nhiều, còn hiểu biết và đồng cảm được thể hiện ở việc hiểu tâm tính, tình cảm, sở thích, thói quen… của đối tượng.
Nếu không hiểu biết lẫn nhau, không thể đồng cảm thì dù “đối tượng” có hoàn cảnh tốt thế nào đi chăng nữa thì hai người vẫn không thể có tình yêu thật sự. Các bạn sẽ không thể hạnh phúc với một tình yêu gượng ép như thế.
Riêng “khả năng kéo dài quan hệ yêu đương” được TS. Sơn chia sẻ khá kỹ. Câu hỏi được đặt ra: “Các em nghĩ tình yêu tuổi học trò có bao nhiêu % sẽ đi đến hôn nhân: 10%, 20%, 30%…?”. Cả sân trường đều ồ lên ngạc nhiên khi TS. Sơn chia sẻ: “Tỷ lệ thành công của tình yêu tuổi học sinh chỉ 1,8%. Còn ở lứa tuổi sinh viên, tỷ lệ thành công của tình yêu chỉ 5,23%” – con số quả thật quá ít so với trí tưởng tượng của các em.
“Được con gái tỏ tình trước, bạn có cảm thấy bình thường không?”. Trả lời câu hỏi này, bạn Nguyễn Hoàng Khang, lớp 11A3 nói: “Em thấy điều này bất thường. Con gái không nên tỏ tình trước”. Nhiều bạn nam của trường cũng đồng tình với nhận định này. TS. Sơn cho rằng: Chuyện nam – nữ tỏ tình, ai trước không quan trọng. Con gái cũng có quyền “bật tín hiệu” cho bạn nam mình thích. Tuy nhiên, mỗi bạn sẽ có cách khác nhau.
TS. Huỳnh Văn Sơn tiếp tục chia sẻ, hướng dẫn các bạn (đặc biệt là các bạn gái) kỹ năng từ chối, kỹ năng tự bảo vệ mình cũng như cách gìn giữ một tình yêu trong sáng. Các bạn nữ phải biết cách từ chối khi được một người yêu nhưng mình không thích người đó; từ chối khi người yêu mình có những hành động cũng như đòi hỏi “quá trớn”…
Cả sân trường như “nóng” lên khi TS. Sơn hỏi các nam sinh rằng: “Nếu biết người yêu của mình không còn “con gái” thì bạn có cưới về làm vợ hay không?”. Hai bạn nam được hỏi đều trả lời rằng… “có”, nhưng lại không nhận được sự đồng tình của các bạn nữ.
Hầu hết các bạn đều cho rằng đó là một câu trả lời… không thật. Cách tốt nhất là các bạn nữ phải biết tự bảo vệ mình để khỏi phải ân hận về sau. Các bạn nam cũng cần phải tôn trọng các bạn nữ và cùng bạn giữ gìn một tình cảm trong sáng.
“Tình yêu tuổi học trò, có nên không?”. TS. Sơn khẳng định là có nên, nhưng các bạn phải làm sao giữ cho tình yêu ấy luôn đẹp và thật sự trong sáng.