Ảnh minh họa
Cu Tuấn cứ níu chặt mẹ đến mức một bước cũng không rời. Nước mắt, nước mũi cứ tràn ra cả mặt. Đôi mắt đỏ hoe kèm theo giọng nói thật yếu ớt. Tuấn cố giãy nãy và thét to: con không muốn học, mẹ ơi về thôi. Tiếng nấc bị ngắt quãng vì phải vừa khóc vừa nói, Tuấn nhắc lại câu nói như điệp khúc: Con không học, về thôi, về thôi, về thôi… Mẹ Tuấn cũng đau lòng không kém, nước mắt mẹ cũng ràn rụa… Thôi mà, ở lại học với cô… Chiều lại gặp mẹ… Giọng nói của mẹ Tuấn cũng lạc đi theo thời gian năn nỉ… Mẹ Tuấn cũng thật xót xa cho con mình…
Hoàn cảnh như mẹ con Tuấn đã trở thành hình ảnh quen thuộc của những tháng 9, tháng 10 ở một số trường Mầm non. Không những thế mà nhiều trẻ còn phản ứng kịch liệt hơn nữa bằng cách lăn đùng ra đất, níu chặt bố mẹ hoặc ông bà… một số trẻ thì khóc từ nhà đến trường, một số trẻ khác thì nôn mửa, một số thì sốt liên tục… Hai tháng đầu tiên khi đến trường mầm non trẻ sẽ bị một chứng “khủng hoảng tạm” đó là sự thích ứng khó. Điều này hẳn nhiên không chỉ xảy ra ở một vài trẻ nhưng có xảy ra ở khá nhiều trẻ. Những biểu hiện thường thấy ở trẻ như: khóc lóc, sợ hãi đi học, sốt kéo dài, giảm cân liên tục… Chính những biểu hiện này làm cho một số cha mẹ rất lo lắng và thậm chí căng thẳng. Hành động thường thấy của các bậc bố mẹ là sợ hãi nên rút lui khỏi trường mầm non bằng cách cho trẻ nghỉ học quay về gia đình để tránh bệnh, để tăng cân trở lại cũng như thoải mái. Cách làm này chưa thật sự hợp lý trong phương án phối hợp giữa trường Mầm non và gia đình.
Thực tế cho thấy không phải trẻ nào cũng có thể thích nghi với trường mầm non mà chỉ có những trẻ dễ ăn ngủ cũng như khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống và quan hệ người – người mới có thể thích nghi tốt với những ngày đầu đi học. Ngay cả người lớn cũng thế, “cơ địa” của mỗi người sẽ quy định sự thích ứng ở mỗi người khác nhau với môi trường sống thông qua những “điểm đổi thay” trong cuộc đời: lập gia đình, mất người thân, thay đổi nơi ở… Trẻ con càng dễ nhạy cảm hơn với những sự thay đổi như thế. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho trẻ thích nghi dần dần chứ không nên chạy bỏ cái khó vì yêu trẻ…
Nhiều trường hợp cũng cho thấy việc thương yêu trẻ quá mức hay sự lo lắng đến nỗi căng thẳng của nhiều bậc bố mẹ dẫn đến sự lựa chọn hành vi: cho trẻ nghĩ học đã gián tiếp làm cho trẻ càng khó thích nghi khi quay lại trường mầm non. Xem xét nhiều trường hợp cụ thể cho thấy trẻ đã một lần “rút lui” khỏi trường mầm non khi không thích ứng sớm thì sẽ cần gấp đôi thời gian như lần một mới có thể học tập được. Điều này không chỉ ảnh hưởng trong độ tuổi tiền học đường mà còn ảnh hưởng cả đến giai đoạn tuổi đi học.
Thương trẻ, cưng trẻ và lo lắng cho trẻ là nỗi niềm của bất kỳ bậc cha mẹ nào có chữ tâm nhưng không nhất thiết phải chọn cách giải quyết vấn đề bằng chữ tình mà còn bằng cả chữ lý. Tập cho trẻ thích ứng với trường mầm non bằng nhiều biện pháp khác nhau là điều nên làm. Đầu tiên, các bậc cha mẹ phải kiên nhẫn và chịu đựng trong khoảng một tháng hay thậm chí là hai tháng đầu tiên khi trẻ đến trường. Thứ nữa, hãy thay đổi mối quan hệ quen thuộc và thân tình quá mức với trẻ ở nhà để trẻ cảm nhận được mình đã lớn hay đã có sự thay đổi trong chế độ sinh hoạt của trẻ. Mặt khác, trong thời gian đầu tiên khi trẻ mới đến trường mầm non có thể không phải bố hoặc mẹ đưa đi học mà sẽ nhờ người thân nào đó đưa đón trẻ để trẻ bớt cảm giác hẫng hụt. Bên cạnh đó, nhất thiết cần có thể đến học cùng trẻ, chăm sóc trẻ cùng cô trong một vài tuần đầu khi nhận được sự cho phép của nhà trường. Cũng không thể quên rằng việc cho trẻ học một buổi (dù trường bán trú) trong vài ngày đầu tiên là cần thiết vì tránh trường hợp trẻ bị “sốc” trường lớp khi chưa thích nghi kịp. Những biện pháp còn lại như chia sẻ kinh nghiệm với cô giáo về cách chăm sóc trẻ, nhận những lời khuyên từ phía nhà trường trong sự phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ là điều thực sự cần thiết…
Chăm sóc và giáo dục trẻ thích ứng với trường mầm non là nhiệm vụ thực sự cần thiết vì đây chính là những cơ sở quan trọng để trẻ thích ứng với cuộc sống sau này. Trở thành một thành viên của đời sống xã hội, trở thành một con người trưởng thành sau này nhất thiết trẻ phải có khả năng thích ứng với môi trường sống, công việc và cả những áp lực khác cũng như những biến cố trong cuộc đời. Tập cho trẻ có những thói quen thích nghi – thích ứng mới thực sự yêu thương trẻ cũng như chăm lo cho trẻ chứ không phải giản đơn thương trẻ quá mức bằng cách cứ bế trẻ “ngủ quen” trong vòng tay ấm yêu của bố mẹ.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn