Kỳ thi THPT Quốc gia đã cận kề, mặc dù cơ hội vào các trường đại học năm nay được cho là “thoáng hơn”, thí sinh đã quan tâm đến nghề nghiệp hơn so với năm trước và cũng nắm kỹ hơn các thông tin về tuyển sinh. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn lựa chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc chịu sự tác động của gia đình, điều này ảnh hưởng rất lớn đến nghề nghiệp trong tương lai của các em.
Lựa chọn ngành nghề vẫn theo cảm tính
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, cả nước có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc lựa chọn ngành học của sinh viên đa phần rất cảm tính, không có sự cân nhắc về khả năng bản thân, diễn biến nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh không quan tâm con thích học gì, phù hợp với ngành nào mà vẫn tiếp tục ép con học theo ý của cha mẹ. Những nguyên nhân này tưởng chừng như đơn giản nhưng đã vô tình làm cho các em học sinh mất đi niềm đam mê, năng khiếu vốn có của mình mà không có cơ hội để phát triển nó.
Em Nguyễn Minh Trang – học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: “Sở trường của em là các môn xã hội nhưng em thấy xin việc ở những ngành nghề này có lẽ sẽ khó. Thêm nữa, bố mẹ em làm doanh nghiệp và muốn em theo ngành của bố mẹ để sau này ra trường sẽ có công việc ổn định ngay. Em thực sự không biết phải làm thế nào, vì em không có năng khiếu ở những môn tự nhiên. Em đang rất băn khoăn vì sợ rằng quyết định của mình bây giờ sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này”.
Đa phần học sinh vẫn chọn ngành học theo cảm tính, áp đặt của gia đình.
Thực tế, không ít bạn sinh viên ngồi trên ghế giảng đường chỉ vì không dám làm trái ý ba mẹ. Hậu quả rõ nhất của việc làm này là các em bị phụ thuộc, không được là chính mình, không có ước mơ và không được phát triển những thế mạnh, sở trường của bản thân. Ba mẹ luôn có lý do rằng những gì họ làm đều vì tương lai của con mình.
Em Phạm Huy Tùng – sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Giao thông – Vận tải chia sẻ: “Tầm giờ này năm ngoái, em đang cố gắng làm đủ mọi cách để có thể thực hiện được đam mê của mình. Em muốn theo học ngành Giao thông Vận tải nhưng bố mẹ em thì muốn em theo học trường Học viện Báo chí Tuyên truyền với lý do có người nhà trong nghề, xin việc sẽ dễ. Em đã làm đủ mọi cách để bố mẹ hiểu được rằng em không thể theo học ngành mà em không có năng khiếu, thậm chí bố em tuyên bố từ mặt em nếu như em quyết tâm làm trái ý gia đình. Mặc dù bố mẹ em có nói như thế nào thì em vẫn không thay đổi và tự đi trên chính đôi chân của mình. Nhưng đến bây giờ thì bố mẹ em cũng đã hiểu và không bắt ép em theo ý của bố mẹ nữa. Em cảm thấy vui vì mình được là chính mình, được theo đuổi niềm đam mê của mình chứ không phụ thuộc vào ai khác. Bố mẹ cũng không thể theo mình mãi được!”.
Cần có định hướng đúng đắn trong việc chọn ngành nghề
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn- Trưởng khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM- cho biết, ông đã thực hiện khảo sát nhanh với học sinh tham dự trực tiếp tại một buổi tư vấn tuyển sinh. Kết quả cho thấy, có trên 50% em nghĩ rằng bằng mọi giá phải vào được Đại học, 75% học sinh đồng ý việc chọn ngành phải phù hợp với sở thích, và hầu hết học sinh cho rằng lựa chọn ngành nghề dựa vào tiền lương cao. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng những lựa chọn này của học sinh đang thiếu định hướng, nếu chọn trường mà chỉ dựa vào thông tin tuyển dụng hiện tại sẽ là sai lầm.
Trong một buổi tư vấn hướng nghiệp mới đây tại Hà Nội, TS. Phạm Mạnh Hà – Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam- khuyên các em học sinh hãy chọn những ngành mình mong muốn. Để xác định việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, ông khuyên thí sinh nên dựa trên 3 yếu tố: Thứ nhất, thí sinh căn cứ vào giá trị nghề, yếu tố của nghề, không nên chú ý đến yếu tố kinh tế, tiền lương khi ra trường, không nên thấy ngành nào dễ thất nghiệp mà bỏ qua, vì giai đoạn khi ra trường sẽ khác so với hiện tại. Thứ hai, thí sinh cần căn cứ vào môi trường làm việc, những đòi hỏi khác nhau đối với công việc mình sẽ làm trong tương lai. Đây là cách để mở rộng thêm cơ hội lựa chọn cho bản thân. Thứ ba, thí sinh căn cứ vào môi trường sống, tính cách, năng lực nghề nghiệp, năng lực học tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)- cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT cần liên kết với các doanh nghiệp để có thông tin mới nhất về nhu cầu lao động vì nó biến động liên tục.
Bích Việt