Mẹ ôm con tự tử

Chỉ vì bế tắc, mâu thuẫn trong cuộc sống, một số bà mẹ đã nhẫn tâm kéo theo cả con nhỏ cùng chết với mình. Nhiều người cảm thông, chia sẻ, nhưng cũng rất nhiều người cho rằng, xét cả về mặt đạo đức và pháp luật, đó là những hành vi không thể chấp nhận được, bởi những đứa trẻ thơ là vô tội.

Một tuần, 5 trẻ bị ép tự tử theo mẹ

Trước đây, những vụ mẹ tự tử ép con quyên sinh theo mình tuy có xảy ra nhưng rất cá biệt. Thường trong những trường hợp này người mẹ nhận được sự chia sẻ của dư luận, bởi họ nghĩ người phụ nữ đã lâm vào tình cảnh bức bí, tới mức đường cùng nên mới tìm cách giải thoát tiêu cực như vậy. Hơn nữa, “nghĩa tử là nghĩa tận”, không ai nỡ lên án một người đã khuất. Tuy nhiên gần đây, những vụ việc xót lòng tương tự đang gia tăng đến mức báo động.

Sáng ngày 17/10, bà con ở xã Nhân Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM bàng hoàng trước vụ một người mẹ trẻ sát hại con rồi tự tử. Người mẹ này là Nguyễn Thị Hoài An (SN 1989, trú tại xã Nhân Đức), đã dùng gối bức tử con gái là cháu Phạm Nguyễn Anh Thư (13 tháng tuổi) sau đó tự tử. Tuy nhiên sau đó An được cứu sống còn bé Anh Thư thì đã mãi mãi ra đi. Nguyên nhân vụ việc thương tâm trên được cho là do mâu thuẫn gia đình. Theo đó, An nghi ngờ chồng có “bồ nhí”, trong lúc không làm chủ được bản thân, An đã quyết định cả hai mẹ con cùng sang thế giới bên kia.

Trước đó, ngày 13/10, tại ấp 4 xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cũng đã xảy ra vụ 3 mẹ con treo cổ tự tử tại nhà riêng. Khi người dân phát hiện được sự việc thì cả ba mẹ con chị Nguyễn Thị Hà (SN 1991) đã lìa xa dương thế. Những người chứng kiến sự việc đã không thể cầm lòng trước thi thể chị Hà và hai đứa con trai (cháu lớn 3 tuổi, cháu bé 1 tuổi). Hàng xóm cho biết, thời gian gần đây gia đình chị Hà thường xảy ra mâu thuẫn, con cái lại bị bệnh tật khiến chị Hà nghĩ quẩn, gây ra thảm kịch đau lòng.

Nếu kể cả những vụ mẹ ép con cùng tự tử do nguyên nhân bệnh lý thì chỉ trong vòng một tuần trở lại đây còn có thêm 2 vụ nữa, khiến 4 người thiệt mạng. Vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 17h ngày 13/10, tại ấp Chiêu Liêu (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Vào quãng thời gian này, anh Nguyễn Thiện Lương đi làm về thì phát hiện vợ là Đặng Thị Liễu (32 tuổi) treo cổ tự tử tại nhà, gần đó là bé Trà Giang, con gái anh, cũng đã tử vong. Nguyên nhân vụ việc được xác định là do chị Liễu mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Vụ thứ hai vừa xảy ra, vào lúc 10h ngày 19/10, tại cầu Thiệu Hóa (thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Do bệnh động kinh bột phát, chị Hoàng Thị Dung (23 tuổi, trú tại xã Thiệu Phú, Thiệu Hóa) đã chở con gái đến giữa cầu rồi ôm con gieo mình xuống sông Chu.

Như vậy là chỉ trong một tuần, 8 người, trong đó có tới 5 trẻ em đã qua đời một cách oan uổng.

Nhiều người nhói lòng nhớ lại, mới đầu tháng 9 vừa qua thôi, tại Việt Trì (Phú Thọ), một nữ y tá vì buồn chuyện gia đình cũng đã ép hai con (một cháu vẫn đang trong bụng mẹ) phải nhảy sông tự vẫn cùng mình.

Chưa đầy 2 tháng, 11 cái chết đã liên tục xảy ra. Dư luận đã không thể chỉ còn xót thương, chia sẻ, thông cảm. Trước những cái chết oan liên tiếp của các bé thơ, họ đã cho rằng cần phải lên án loại hành vi này…

Hận chồng trút giận xuống con?

Nhà tâm lý học Đình Đoàn nói: “Có ba điều tôi muốn nói đến khi xem xét những vụ việc “ôm con cùng chết” của một số chị em phụ nữ mà báo chí đã đưa tin gần đây. Thứ nhất là “cả giận mất khôn”. Những người mẹ hành động trong khi bức xúc, giận chồng, giận gia đình chồng, buồn vì số phận hẩm hiu, lại không có người chia sẻ, nên làm những điều dại dột. Mối quan hệ giữa “sân” (hận thù, giận dữ…) và “si” (ngu dốt, dại dột) được thể hiện rõ nét nhất ở đây. Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ, đó là hiện tượng tâm lý “giận cá chém thớt”. Hận chồng, tức chồng nhưng bất lực, nên trút giận xuống con, là con của “kẻ bội bạc”, con của “thằng bố lăng nhăng”. Tất nhiên, đây là lối suy nghĩ của người đã “giận quá hóa ngu si”, quên rằng đứa con là máu thịt của mình, là chỗ dựa tinh thần của mình. Điều thứ ba, đây là cách trả thù người còn sống. Nếu một mình mình chết, “chưa chắc nó đã ân hận, đã đau, có khi còn vui sướng vì sẽ được lấy vợ mới!”, nhưng kéo theo cả đứa con cùng chết, cách trả thù chồng này “đau hơn”, khiến chồng và gia đình chồng phải ân hận suốt đời, có làm thế, “chúng nó” mới đau đớn tột cùng, mình mới hả giận!”.

Theo chuyên gia tâm lý Đình Đoàn, tự tử là điều không ai khen ngợi. Hành vi kéo theo cả con cái cùng chết là hành vi giết người, vi phạm pháp luật, cần lên án mạnh mẽ. “Báo chí, dư luận xã hội cần lên án kể cả với người đã chết để cảnh báo, để ngăn ngừa, răn đe, giáo dục những người còn sống, những ai có những suy nghĩ dại dột… để ngăn chặn những cái chết thương tâm của những đứa trẻ”, ông Đoàn nói.

Theo ông Đoàn, mỗi con người đều là “người chủ” của cuộc đời mình. Dù cuộc sống có khó khăn cũng cần nỗ lực vượt qua, tranh thủ sự hỗ trợ của người thân để cải thiện cuộc sống. Đừng có ai nghĩ rằng ta trông cậy vào ai đó “làm chỗ dựa” cho đời mình, để rồi khi không được như mong muốn, lại thất vọng, chán chường, hận đời, hận người. Ngay cả khi không còn ai yêu thương ta, ta phải học cách yêu thương mình. Có vợ chồng, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc là điều quý giá, nhưng nếu không được như thế, ta vẫn có thể sống vui, sống cho mình, cho con cái. Lấy cái chết của mình và của con để trả thù ai đó… là sự dại dột.

“Hãy làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, giữ lối sống quân bình, vui vẻ, lạc quan, mở rộng quan hệ giao tiếp, sống tự lập, tự chủ, tự quyết định. Những người dám chết và kéo theo cả những đứa trẻ vô tội chết theo là những người thiếu cả kỹ năng sống lẫn giá trị sống, dù kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp, bằng cấp “đầy mình”. Tất nhiên, không thể không nhắc đến trách nhiệm của người đã trực tiếp hay gián tiếp đẩy chị em đến hoàn cảnh khốn cùng, phải lựa chọn cái chết…”, nhà tâm lý học Đình Đoàn nói.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đưa ra một số lời khuyên từ góc độ chuyên môn:  “Những phụ nữ trầm cảm sau sinh là một thực tế mà chính người trong cuộc cũng không ý thức được. Những người thân cần nâng cao nhận thức về vấn đề này cũng như cần có những cái nhìn mang tính nhân văn. Việc chăm chút, tạo ra một tâm lý thoải mái, tránh những tranh cãi không đáng có, hướng đến sự lựa chọn phương án tất cả vì trẻ, vì hạnh phúc gia đình là điều cần làm. Đó là lý do vì sao trên thế giới có nhiều nước ưu tiên việc nghỉ sau sinh cho cả người chồng. Mặt khác, môi trường sống sau sinh, quan hệ vợ chồng, mẹ con… cần phải luôn được chú trọng xây dựng”.

Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều đơn vị hoạt động tư vấn, tham vấn, hỗ trợ cộng đồng, ví dụ như Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý thuộc Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội hay Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý, vốn là sáng kiến vì cộng đồng của một nhân viên xã hội giàu kinh nghiệm. Đó là chưa kể đến hoạt động tư vấn của các hội, đoàn thể. Tuy nhiên, tính thiết thực và độ phủ của hoạt động này còn nhiều hạn chế, khiến một phụ nữ bất kỳ nào (hay cụ thể là những bà mẹ trong các vụ việc nêu trên) muốn tìm người – nơi tin cậy để giải tỏa bế tắc thì không biết tìm ở đâu. Nên chăng, một số điện thoại dễ nhớ như 113 hay 115 chẳng hạn, có độ phủ 63 tỉnh, thành cả nước, với sự liên kết ban, ngành, đoàn thể các địa phương đến tận xã, phường, được thành lập để giúp đỡ cộng đồng. Nếu có số điện thoại này, ít nhất những bà mẹ đang bế tắc sẽ tìm được sự thấu hiểu sẻ chia hay động viên, định hướng… mà không phải câm lặng chịu đựng đến độ “trầm cảm” hay “loạn thần” dẫn đến bức tử những “khúc ruột” mình sinh ra.   

Theo giadinh.net.vn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *