PGS.TS Tâm lý – Giáo dục Huỳnh Văn Sơn cho biết, nếu đề án “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3” được thực hiện thì nó sẽ tạo ra một sự bất công lớn trong giáo dục.
PV: Cũng là một nhà sư phạm, chắc hẳn anh quan tâm đến đề án giáo dục: học sinh từ lớp 1- 3 phải học qua máy tính bảng của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cá nhân anh nghĩ gì về đề án này?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng, đây là một trong những đề án có chú ý đến tính hiện đại. Tuy nhiên, xét về tổng thể, khách quan thì việc nâng cao chất lượng giáo dục cần có sự lựa chọn trọng điểm, ít nhất dựa trên các tiêu chí: Tính hiện đại, tính hiệu quả, tính khả thi, tính đột phá… Và đề án “học sinh lớp 1,2,3 phải học qua máy tính bảng” thực sự không phải là lựa chọn đột phá, không có tính khả thi.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Quan điểm của cá nhân tôi là cần đầu tư có trọng điểm về nhân lực. Đánh giá trên bình diện bằng cấp, giáo viên tiểu học tại TP HCM có trình độ đại học gần như phủ kín. Điều này có thể kiểm tra dựa trên tốc độ đại học chuyên tu và tờ khai về bằng cấp. Tuy vậy, trình độ họ có tương xứng, có sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như có đủ kĩ năng để tiếp cận và thực hiện những xu thế dạy học mới chuyên biệt cho bậc tiểu học chưa?! Như việc lấy người học làm trung tâm, dạy học chủ động, dạy học khám phá, dạy học thông qua môi trường tự nhiên, dạy học phát triển, dạy học dự án, công nghệ dạy học…
Sự thật có thể gây đắng lòng!
PV: Dưới góc độ là một chuyên gia về tâm lý, PGS có thể nói rõ cái hại từ việc áp dụng đề án này đối với trẻ là gì?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Để rộng đường dư luận và sự phát biểu mang tính chất có điểm đến, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc trang bị máy tính bảng cho trẻ như sau.
Thứ nhất: Trẻ em rất yêu thích máy tính bảng. Điều này là một thực tế không thể phủ nhận bởi sự hấp dẫn là một yếu tố thôi thúc trẻ khám phá, tìm tòi và…học – chơi. Tuy nhiên, đó chỉ là một tích cực được đặt lên bàn cân lệch pha với nhiều cái tiêu cực.
Thứ hai: trẻ em là một thực thể đang phát triển, việc lệ thuộc và đắm chìm vào thế giới công nghệ có thể là một hệ lụy. Nhiều vấn đề nảy sinh như cận thị, lười vận động, không quản lý được thời gian, bó hẹp về giao tiếp – tương tác, nghiện máy tính… xảy ra là tất yếu.
Thứ ba: những dự án thường phân tích SWOT thiếu hẳn một yếu tố quan trọng, đó là sự dự trù những tác động tiêu cực. Ai sẽ là người trang bị kĩ năng sử dụng máy tính bảng hiệu quả cho trẻ, cũng như kĩ năng hướng dẫn trẻ sử dụng máy tính bảng khoa học của giáo viên? Ai sẽ là người bảo quản, đảm bảo sự an toàn về cả sức khỏe – tâm lý cho trẻ? Ai sẽ là người đầu tư nguồn kinh phí để giải quyết những sự cố như trẻ nghiện, trẻ bị lệch chuẩn hành vi… khi sử dụng máy tính bảng?!
Chúng ta chưa có những câu trả lời cho những câu hỏi này!
Đề án học sinh từ lớp 1 – 3 học trên máy tính bảng sẽ gây bất công trong giáo dục
PV: Còn việc học theo sách giáo khoa như truyền thống, theo PGS thì có những mặt tích cực nào?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Giáo dục truyền thống đã minh chứng được những tác động tích cực của nó. Đành rằng hiệu quả của sách giáo khoa, tính tác động của nó còn cần phải quan tâm nhưng rõ ràng chúng ta chưa làm hết sức mình về một bộ sách giáo khoa hay sự lựa chọn loại sách giáo khoa phù hợp.
Văn hóa đọc vẫn đang được nhiều quốc gia ưu tiên như là một chiến lược có trọng điểm thì việc sử dụng sách giáo khoa là một trong những hành động có điểm đến.
Ngoài ra, việc sử dụng sách giáo khoa rèn cho trẻ những phẩm chất của một con người toàn diện là một sự thật không thể phủ nhận: tính cẩn thận, trí nhớ ngôn ngữ – hình ảnh, sự liên kết, khả năng khái quát, tính chi tiết…
Không khó để làm một phép so sánh về tác động tích cực của việc sử dụng sách giáo khoa so với việc sử dụng một số phương tiện khác mà máy tính bảng là một ví dụ.
PV: Nếu đặt vào vị trí phản biện, vị trí quản lý, vị trí một giáo viên thậm chí là một phụ huynh thì PGS có ý kiến gì về đề án này?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Thứ nhất: là phụ huynh, tôi cho rằng cần nhìn vấn đề theo hướng khả thi. Tôi vẫn muốn trẻ em sử dụng bất kì một phương tiện gì cũng ý thức được nguồn gốc, giá trị của nó. Khó có thể ước lượng được bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu nước mắt mới có thể đổi được một cục pin, hay thậm chí là một vỏ máy tính bảng. Trẻ em liệu sẽ xử lý thế nào nếu làm hư tổn cơ sở vật chất – trang thiết bị của nhà trường?
Chúng ta đừng quên đã có sự cách biệt nhất định về mặt giáo dục giữa trường này với trường khác. Và đề án hay dự án khi chưa đảm bảo tính công bằng và tính mở rộng toàn diện thì đừng thực hiện để vô tình tạo ra sự bất công lớn hơn nữa trong giáo dục! Đó là điều tối kỵ trong giáo dục trẻ em.
Thứ hai: là chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý – Giáo dục, tôi cho rằng đầu tư có trọng điểm và đầu tư chuyên sâu về nguồn nhân lực là sự lựa chọn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, việc chưa có những dự phòng và sự bao quát cho một lối ra thì đừng vội vã đưa ra quyết định. Hơn nữa, đó còn là thái độ cầu thị, cách nhìn khoa học, bản lĩnh đích thực trên bình diện giáo dục.
Thứ ba: là giáo viên, sự khao khát công nghệ là sự khao khát rất lớn nhưng nếu không đam mê thì sự khao khát ấy cũng chỉ là hư ảo! Đó là chưa kể sự khao khát lớn hơn về đời sống tinh thần, đời sống vật chất, sự giảm tải áp lực lao động, giảm sỉ số, giảm thủ tục hành chánh trong giáo dục, giảm những yêu cầu hình thức về đánh giá nghề nghiệp… lại là đam mê đích thực.
Những kết quả phỏng vấn hay nghiên cứu cho thấy đấy mới là tiếng nói trong nội tâm, trong khát khao, thậm chí trong giấc mơ của các giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng. Xin hãy để tiếng nói của giấc mơ ở tầng bậc vô thức được bộc bạch công khai, chính thức thành những lời đề nghị có luận cứ hẳn hoi. Trách nhiệm này thuộc về những nhà quản lý có tâm, có tình và có khả năng chứ chưa hẳn cần phải có tài.
PV: Cảm ơn chia sẻ của PGS!
Trúc Vân (thực hiện)