Đó là năm tôi lên bảy. Trước Tết khoảng một tuần mẹ chở tôi đến một cửa hàng tự chọn nhỏ để sắm Tết. Mẹ tôi vốn thẳng thắn, mẹ nói rõ với tôi rằng năm ấy gia đình tôi khá khó khăn nên sẽ chỉ mua những thứ tối thiểu, và tôi sẽ không nhận được nhiều quà lắm đâu.
Mẹ tôi tìm được một chỗ trong bãi đậu xe, rồi bảo tôi ngồi chờ trong xe còn mẹ sẽ đi rút một ít tiền đã. Ngồi trong xe, tôi vô cùng ấm ức. Tại sao những đứa trẻ khác năm nào cũng được cả núi quà tặng còn tôi thì không? Ngay cả khi đi sắm Tết tôi cũng phải ngồi chờ trong chiếc xe cũ rích và chật chội này. Tôi bắt đầu dậm chân đùng đùng trong xe. Bên ngoài, tuyết bắt đầu rơi, trông thật thú vị. Tôi nhẹ nhàng kéo tay nắm cửa xe và đẩy nó ra.
mẹ là người có thể thay thế tất cả, nhưng không ai có thể thay thế được mẹ
Nhưng, ngay khi tôi hé cửa, một cơn “cuồng phong” lạnh buốt và dữ dội ập tới, hất tung cánh cửa chiếc xe cũ của mẹ tôi. Nó mở bung ra, mạnh đến mức làm tôi suýt ngã chúi ra ngoài. Khủng khiếp hơn: nó đập đánh “choang” vào một chiếc xe màu đen, bóng loáng, mới tinh, đỗ bên cạnh xe mẹ tôi.
Tôi hét lên vì sợ hãi và nhảy tụt trở lại trong xe. Mẹ tôi vội vã chạy ra xem. Cả hai mẹ con nhìn chằm chằm vào cánh cửa của chiếc xe bên cạnh. Đó là một vết xước rất sâu và dài đến 3 gang tay! Tôi bắt đầu sụt sịt, dù mẹ an ủi rằng đó chỉ là “một tai nạn”, chứ tôi hoàn toàn không phải “một đứa bé hư”.
Mẹ quyết định không mua gì nữa mà chui vào trong xe, ngồi chờ người chủ xe quay ra. Chừng 20 phút trôi qua, không ai tới chỗ chiếc xe màu đen bên cạnh chúng tôi.
Đến lúc này, tôi rụt rè đề nghị mẹ… cứ lái xe về. Ai mà biết được rằng chính tôi đã làm “bị thương” chiếc xe của họ? Nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ dẫn tôi đi hẳn vào cửa hàng tự chọn và hỏi xem có vị khách nào là chủ chiếc xe Volvo màu đen mang biển số bang Georgia không. Nhưng không ai nhận cả.
Và dù cho tôi nài kéo thế nào, mẹ cũng quyết dẫn tôi đến gặp một chú cảnh sát đang đi tuần và kể toàn bộ câu chuyện. Chú ấy cười lớn.
– Bình thường thì hầu hết mọi người sẽ lái xe bỏ đi đấy chị ạ! (đấy, có phải một mình tôi nghĩ thế đâu). Nhưng nếu chị muốn thì chị có thể viết một mảnh giấy để lại.
Mẹ tôi nhanh chóng viết một mảnh giấy: “Con gái tôi đã vô tình mở cửa xe và đập vào xe của bạn. Chúng tôi đã đợi bạn quay lại, nhưng không được. Tôi rất xin lỗi. Xin liên hệ với Susan. Số điện thoại…”.
Rồi mẹ tôi cài tờ giấy vào cần gạt nước của chiếc xe Volvo. Mẹ bảo tiền để sửa chiếc Volvo kia phải đến vài trăm đôla, vì vậy, mọi thứ “ít cần thiết” lại sẽ bị cắt bỏ.
“Thế là hết quà!” – Tôi nghĩ trên đường về – “Thật tồi tệ!”.
Còn mẹ tôi không nói gì, chỉ thỉnh thoảng lại thở dài.
Mỗi lần điện thoại reo, tim tôi lại như nhảy chồm lên. Một ngày trôi qua và người chủ xe Volvo vẫn không gọi đến. Tôi cứ tự hỏi liệu có trường hợp (thú vị) nào đó là gió thổi bay luôn tờ giấy của mẹ tôi, rồi người chủ xe sẽ không bao giờ biết đến “tội lỗi” của tôi, và chúng tôi sẽ không tốn tiền đền, và tôi vẫn sẽ có quà năm mới hay không?!
Nhưng hai ngày sau đó, có một tin nhắn để lại trên máy điện thoại ở nhà tôi: “Chào chị Susan. Tôi là Tom Rodgowski. Tôi đã nhận được mảnh giấy chị để lại ở cần gạt nước xe tôi. Tôi rất cảm ơn sự thành thật của chị. Tôi sẽ hỏi gara xem sửa xe hết khoảng bao nhiêu tiền và liên lạc lại với chị. Và… cảm ơn chị lần nữa”. Thật đáng thất vọng!
Một ngày nữa trôi qua và thêm một tin nhắn để lại trên điện thoại: “Chào chị Susan. Tôi là Tom Rodgowski. Tôi đã tham khảo giá ở hai gara về việc sơn sửa lại cánh cửa xe Volvo. Một gara báo giá 700 đôla. Gara còn lại báo giá, tôi nghĩ là hơi cao, 1.200 đôla. Tôi sẽ suy nghĩ, rồi gọi lại cho chị sau khi có quyết định”.
Lần tiếp theo thì mẹ tôi nghe điện khi ông Tom đó gọi đến. Ông ấy đồng ý mức bồi thường 700 đôla. Mẹ tôi sẽ đi gặp ông ấy ở một tiệm cafe vào ngày hôm sau. Khi về nhà, mẹ tôi kể rằng “bác Tom” là một người dễ chịu. Mẹ đã xin lỗi, bồi thường cho bác ấy, và chúc bác ấy đón năm mới vui vẻ.
Hai ngày sau, lại có một tin nhắn nữa trên máy điện thoại nhà tôi: “Chào chị, lại là tôi, Tom Rodgowski đây. Tôi đã nhờ được một vài người bạn và họ đã giúp tôi tân trang chiếc xe mà không lấy tiền. Tôi sẽ gửi lại số tiền cho chị qua đường bưu điện. Hy vọng chúng ta có thể làm bạn lâu dài với nhau. Chúc gia đình chị đón năm mới hạnh phúc”.
Cả mẹ và tôi tròn mắt nhìn nhau khi cùng nghe tin nhắn đó. Liệu chuyện này có phải là sự thật không?
Và ngay hôm sau, chúng tôi nhận được tờ séc 700 đôla do bác Tom gửi tới. Chúng tôi kịp đi mua những thứ cần thiết trước khi các cửa hàng đóng cửa để đón năm mới.
Trên đường đi mua quà, tôi bỗng cảm thấy rằng thực ra, món quà lớn nhất mà người mẹ đơn thân của tôi đã tặng tôi vào dịp cuối năm này chính là một bài học về lòng trung thực. Và chính cách sống đó của mẹ tôi đã khiến cho một “món nợ” đã biến thành một món quà lớn.
Thục Hân ( Dịch)