Mong manh những đứa trẻ “dễ vỡ”

Mong manh những đứa trẻ dỗi hờn

1. Bị bố mẹ buộc chuyển về học ở huyện thay vì học ở thị xã, không hài lòng, Hoa (14 tuổi) lẳng lặng mua 20 viên paracetamol 500mg về uống để tìm đến cái chết.

Được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cuối tuần qua trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, phải mất hơn một ngày cấp cứu tích cực, Hoa mới hồi phục.

Trò chuyện với bác sĩ tâm lý sau khi qua cơn nguy kịch, Hoa cho hay động cơ khiến em quyết định tìm đến cái chết chỉ vì giận ba mẹ bắt em chuyển trường từ thị xã về huyện. “Em không muốn nhưng bố mẹ thì cứ quyết”, Hoa nói.

Sự việc khiến phụ huynh hoàn toàn bất ngờ. “Thấy con bị nôn ói dữ dội và mệt mỏi, chúng tôi nghĩ con bị bệnh nên đưa đến bệnh viện mà không hề nghĩ rằng bé tự tử. Mãi đến khi các bác sĩ thông báo cháu bị ngộ độc paracetamol liều cao”, mẹ bệnh nhân nói.

2.  Linh, 15 tuổi, ở Long An được đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng lừ đừ, chóng mặt, mạch nhanh. Các bác sĩ xác định em bị ngộ độc thuốc do uống paracetamol quá liều.

Sau khi được rửa dạ dày, truyền dịch, truyền biệt dược giải độc, trò chuyện với các bác sĩ tâm lý, nữ sinh cho biết em uống thuốc để chết vì cứ bị mẹ mắng “cứ lo chơi không chịu học hè”.

3. Cũng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, một nam học sinh suýt tử vong sau khi mua 1 vỉ thuốc cảm uống để chết chỉ vì bị bà mắng “suốt ngày chơi game không chịu học hành”; một trường hợp khác quyết quyên sinh vì bị trách “không lo học chỉ lo cặp bồ”.

Thường xuyên tiếp xúc với những trẻ tự tử được cứu sống, các bác sĩ đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết phần lớn trường hợp “hễ tí là giận bố mẹ, là đòi bỏ nhà đi hoặc tìm đến cái chết” thường rơi vào độ tuổi từ 13 đến 15.

mong-manh-nhung-dua-tre

Lắng nghe để chia sẻ cùng con

“Hầu hết các em đều hối hận ngay sau khi uống thuốc, thảm thiết xin được cứu và hứa sẽ không dám tái phạm sau khi được cứu sống. Tuy nhiên trước đó, nhiều em vẫn không lường trước hậu quả nên bị mắng trách thì cứ nghĩ đến chuyện chết. Nhất là khi bị người lớn la mắng, áp đặt”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.

Cũng theo bác sĩ Thanh, để tránh những tai nạn đáng tiếc, khi răn dạy các em ở độ tuổi này, cha mẹ, thầy cô giáo khi đối diện với các em phải hết sức năng động mà kiên nhẫn, quyết đoán mà dịu dàng, cương nghị mà bao dung, nhạy bén mà tế nhị.

“Người lớn cần phải đón đầu, thu phục được lòng tín nhiệm của các em, kịp thời giúp đỡ, dẫn dắt các em vượt qua những khủng hoảng có tính ‘nổi loạn’”, bác sĩ Thanh nói.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, giảng viên Khoa Tâm lý, trường ĐH Sư Phạm TP HCM cũng cho rằng, thay vì áp đặt, ra lệnh, phụ huynh cần lắng nghe, giải thích và chia sẻ để con hiểu rõ, đồng cảm khi muốn khuyên con làm một điều gì đó.

Theo Cao Lâm – Vnexpress

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *