Nạn nhân quấy rối tình dục có thể hoảng loạn đến mức phá hoại

Chuyên gia tâm lý cho rằng, sự căng thẳng tâm lý khiến cho những người bị quấy rối tình dục (QRTD) khó làm việc hiệu quả, đạt chất lượng. Đó là chưa kể sự cam chịu hay bức bách có thể làm cho họ trở nên có nhiều sai sót hay những hành vi bộc phát mang tính phá hoại.

“Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được công bố sáng 25.5 tại Hà Nội đang khiến dư luận xôn xao. Một số ý kiến cho rằng bộ quy tắc này khó khả thi vì không có tính pháp lý, đặc biệt người bị QRTD chưa can đảm tố giác cá nhân quấy rối lên cơ quan chức năng nên khó xử lý.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam.

http://images.danviet.vn/uploaded/vuphuongha/2015_05_28/ckhhpgsts_huynh_van_son_milg.jpg?width=450

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam 

Ông có nhận xét gì về “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc” vừa ban hành của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội?

Các hành vi cố tình đụng chạm, cấu véo, phô bày tài liệu khiêu dâm đều bị quy là quấy rối tình dục tại nơi làm việc… là một số nội dung chính trong bộ quy tắc ứng xử này. Tôi nghĩ, xét về góc độ xã hội đây là một bước tiến và thể hiện sự nhân văn trong đời sống.

Lẽ đương nhiên, đưa các hành vi này vào thực tiễn xã hội cũng như luật hóa dần dần là một hành trình. Tuy vậy, thách thức với những người có trách nhiệm quản lý doanh nghiệp, những người đứng đầu trong tổ chức là sẽ thực thi ra sao…

Có ý kiến cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử về QRTD không khả thi vì rất khó áp dụng vào thực tiễn. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ ý nghĩa sâu xa của vấn đề khá rõ thì chúng ta nên ủng hộ. Nhưng việc áp dụng vào thực tiễn đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chỉ đạo thực hiện, những cá nhân chịu trách nhiệm và ngay cả những người bị quấy rối, đang bị quấy rối hoặc sắp bị quấy rối sẽ làm gì và ứng xử ra sao.

Tôi cho rằng cần ủng hộ hết mình vì đây là một bước tiến của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại bạo lực tại nơi làm việc cũng như quan tâm nhiều hơn đến bình đẳng giới, sự tôn trọng nhân phẩm con người trong làm việc…

Những người bị QRTD nơi công sở sẽ bị ảnh hưởng tâm lý ra sao khi hằng ngày phải giáp mặt với cá nhân quấy rối, thưa ông?

Người bị QRTD tâm lý sẽ vô cùng căng thẳng khi hằng ngày phải giáp mặt với những cá nhân quấy rối. Sự căng thẳng tâm lý này sẽ làm cho họ khó làm việc hiệu quả, đạt chất lượng. Đó là chưa kể sự cam chịu hay bức bách có thể làm cho họ trở nên có nhiều sai sót hay những hành vi bộc phát mang tính phá hoại.

Ở một góc độ khác, một cá nhân bị quấy rối tình dục nơi làm việc sẽ dễ ở trong trạng thái tủi nhục, phòng thủ. Sự phòng thủ không phải với những cá nhân đã quấy rối mà cả với những cá nhân tương đồng hay hoàn cảnh tương tự… Điều này tạo nên những áp lực tâm lý, sự hoảng loạn hay sự chống đối tự vệ.

Theo ông, để tố giác hành vi QRTD lên cơ quan chức năng, nạn nhân cần phải làm gì?

Nỗi e ngại, sợ bị mất mặt, sợ bị mất việc là nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân không dám trình báo sự việc. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho các hành vi quấy rối không bị lôi ra sánh sáng chứ không hẳn có chứng cớ hay có nguyên nhân.

Tôi nghĩ, nếu khẳng khái, mạnh mẽ kết hợp với nhận thức đúng đắn sẽ làm cho những người là nạn nhân có đầy đủ những chứng cứ cần thiết. Việc thu thập chứng cứ không quá khó nếu nạn nhân vượt qua được mặc cảm và những áp lực.

Điện thoại di động, tin nhắn và camera… hoàn toàn có thể là người bạn đồng hành…

Những người thường xuyên bị QRTD nơi công sở có thể thoát khỏi tình huống “nhạy  cảm” bằng cách nào, thưa ông?

Việc đầu tiên là hãy hiểu chúng ta được bảo vệ bởi pháp luật bởi các tổ chức có liên quan khi lao động. Hành vi quấy rối là hành vi không được cho phép hay đó là hành vi vi phạm. Vì vậy, không được thỏa hiệp bằng hình thức này hay khác.

Thứ nữa, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc quản lý bản thân bằng sự tự tin, thẳng thắn, nghiêm túc là điều cần thiết

Bên cạnh đó, tuân thủ những chuẩn mực giao tiếp, từ chối tham gia hay xuất hiện trong những tình huống hiểm nguy như: gặp riêng tư, thân mật quá mức, không từ chối ngay từ đầu với hành vi ve vãn, thích lợi dụng sự yêu quý của người khác để thăng tiến hoặc trốn việc…

Ngoài ra, cần phản kháng mãnh liệt rõ ràng bằng thái độ nghiêm khắc với những dấu hiệu và cả hành vi thay vì sự cam chịu, chịu đựng để mình trở thành nạn nhân của việc quấy rối…

Xin cảm ơn ông!

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *