NGHỆ THUẬT THOÁT KHỎI ÁP LỰC CÔNG VIỆC

 

Bạn sẽ làm gì khi gặp áp lực công việc?

Bạn sẽ làm gì khi gặp áp lực công việc?

Cuộc sống của chúng ta ngày càng bận rộn với hàng núi công việc phải giải quyết. Có những “sự cố” công việc bỗng dưng ập xuống đầu bạn trong cùng một thời điểm khiến bạn rối bời, mất phương hướng, thậm chí không thể làm chủ được mình. Do không biết cách sắp xếp thời gian, công việc, nhiều người đã tự đẩy mình vào chân tường

“NƯỚC ĐẾN CHÂN MỚI NHẢY”

Vốn đã quen nhịp sống và công việc khá nhàn nhã ở Hà Nội, từ ngày chuyển cả gia đình vào công tác tại TPHCM, anh T. Dũng, phóng viên một tờ báo lớn, thực sự “choáng” với guồng quay công việc mới. Chưa quen với tác phong làm việc tại môi trường lạ, lại chưa biết cách ứng xử với đồng nghiệp thế nào cho phải, anh T. Dũng còn thường xuyên bị chỉ trích trong khi áp lực bài vở phải nộp hằng tuần rất căng thẳng.

Vợ anh làm việc cho một công ty nước ngoài nên thường xuyên về nhà trễ, anh phải đảm nhận luôn việc đón đứa con trai 3 tuổi đang học mẫu giáo tan trường vào lúc 16 giờ. Có hôm được sếp giao theo dõi một hội thảo quan trọng để viết bài, hội thảo chưa kết thúc, anh phải vội vàng bỏ dở để đi đón con. Đưa được con về nhà gửi người quen, anh lại chạy vội vào cơ quan để viết bài. Khổ nỗi, bài viết của anh không những không được chấp nhận do thiếu phần quan trọng nhất là kết luận cuối cùng của hội thảo, mà anh còn bị sếp la rầy và tuyên bố sẽ xem xét kỷ luật anh. Anh T. Dũng lầm lũi rời khỏi cơ quan lúc nửa đêm, không thể tìm một lời giải thích thỏa đáng cho sự thiếu sót của mình.

Theo thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy, rất nhiều tình huống trong cuộc sống đẩy bạn rơi vào “áp lực”, như công việc nhiều, thời gian giải quyết gấp gáp, sức khỏe, tâm lý không tốt lại bị ngoại cảnh (gia đình, bạn bè hoặc các mối quan hệ xã hội) chi phối… Bên cạnh đó, có những người không hiểu rõ khả năng của mình, không biết tiên lượng và từ chối, họ tham công tiếc việc, dồn hết sức để mong hoàn thành công việc nhưng lại không đạt được kết quả mỹ mãn, để rồi đến một lúc họ giống như quả bóng bơm quá căng sẽ bị nổ tung.

Trường hợp của M.Duyên cũng là một ví dụ. Là một nhân viên kinh doanh, nhưng thường ngày cô dành thời gian uống cà phê, tụ tập với bạn bè hoặc mua sắm, làm đẹp nhiều hơn là tập trung vào công việc. Để rồi cuối tháng, cô lại bù đầu vào việc gửi báo giá cho khách hàng, thanh toán hóa đơn cho công ty, thu nợ, lên kế hoạch bán hàng cho tháng sau… Bao nhiêu công việc cùng lúc khiến cho M.Duyên rối tung, chạy tới chạy lui, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Chỉ mấy ngày, trông M.Duyên phờ phạc hẳn đi mà tình hình công việc vẫn chưa ổn thỏa. “Có những người có năng lực đặc biệt trong công việc, nhưng đa phần chúng ta chỉ có khả năng tập trung giải quyết một việc trong một thời điểm. Bởi vậy, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, đạt năng suất cao nhất là điều rất quan trọng để vừa tránh được áp lực công việc vừa đạt được ý nghĩa cuộc sống” – thạc sĩ Tường Vy cho biết.

LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI ÁP LỰC CÔNG VIỆC?

Để không phải lúc nào cũng “gồng mình” lên để giải quyết công việc, bạn nên tự hỏi bản thân mình đang thật sự cần gì, điều gì là quan trọng nhất đối với bạn trong thời điểm đó?… “Khoảng lặng” này rất cần thiết giúp bạn lấy lại bình tâm, định hướng cho việc cần làm để không bị “rối” trước hàng loạt công việc cần giải quyết. Sau đó, bạn hãy liệt kê mức độ ưu tiên cho từng công việc, công việc nào cấp bách, quan trọng thì hãy tập trung làm ngay trong một giới hạn thời gian nhất định; công việc nào không cấp bách, không quan trọng thì bạn hãy lên kế hoạch và thực hiện dần.

Việc lập kế hoạch cho công việc thực sự rất quan trọng để bạn thoát khỏi áp lực. Một bản kế hoạch thực hiện các công việc hằng ngày, hằng tuần, hằng năm nên được vạch ra theo các thứ tự ưu tiên mà bạn đã xem xét và đánh dấu. Bạn cũng nên rèn luyện thói quen sắp xếp công việc hằng ngày, để mọi thứ liên quan đến đời sống thường nhật của bạn đạt đến mức độ ổn định. Ví dụ, ngoài công việc ở cơ quan, mỗi ngày bạn dành bao nhiêu phút để tập thể dục, học tiếng Anh, nghiên cứu tài liệu, chăm sóc gia đình… Sự rèn luyện thường xuyên sẽ làm tăng khả năng xử lý những tình huống khó và nếu có sự cố chen ngang, bạn có thể nhanh chóng sắp xếp thời gian để tập trung vào công việc. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hình thức giải trí, thư giãn thích hợp để giải tỏa áp lực công việc.

Theo thạc sĩ Tường Vy, một trong những giải pháp hiệu quả để vượt qua áp lực, đó chính là sự tự thay đổi suy nghĩ, hành động của bản thân, nghĩa là “vượt qua chính mình”. Sự lo lắng thái quá có giúp gì cho tôi lúc này không? Tôi xử lý sự việc như vậy đã đúng chưa? Tôi đã kiểm soát được công việc của mình chưa?… Chính những ý nghĩ lạc quan, tích cực cùng với quyết tâm, nhiệt huyết đối với công việc sẽ giúp bạn khắc phục tính ì, tiếp thêm nghị lực, đam mê, sự tự tin để bạn vượt qua mọi áp lực, khó khăn của cuộc sống.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *