NGHIỆN GAME ON LINE MÙA HÈ – THÁCH THỨC VÀ NGUY CƠ

Một năm học đầy mệt mỏi và căng thẳng đã kết thúc. Ba tháng hè là thời gian trẻ thư giãn để chuẩn bị nguồn năng lượng mới trước khi bước vào năm học mới. Mặc dù một số phu huynh vẫn tiếp tục đăng ký cho con tham gia vào các lớp học thêm nhưng so với năm học chính thì thời gian này vẫn khá là trống trải để trẻ có thể tham gia vào một số hoạt động giải trí nhất định nào đó. Mùa hè cũng đồng nghĩa với mùa rộn ràng của những lớp học kỹ năng sống, học kỳ quân đội, các lớp khiêu vũ và nhảy múa hiện đại tại các nhà văn hóa…nhưng không phải trẻ nào cũng được phụ huynh quan tâm tích cực đến việc tạo cơ hội cho con cái tham gia vào những sân chơi hấp dẫn và bổ ích như vậy.

          Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 77.8% rất quan tâm đến chuyện học hành của con, trong khi đó chỉ có 34.4% quan tâm đến hoạt động giải trí của con trẻ, riêng việc chơi game online chỉ có 33.6% là quan tâm*. Đặc biệt đây là kết quả chỉ điều tra trên những học sinh hiện đang chơi game online, cho thấy phụ huynh chưa thật sự quan tâm, quản lý con trong vấn đề này. Nếu phụ huynh tiếp tục không nhận tức đúng tầm quan trọng của việc quản lý con trong việc tham gia vào hoạt động giải trí, nhất là hoạt động chơi game online thì sẽ rất nguy hiểm và dễ dàng để trẻ vướn vào con đường nghiện game online vào những thời điểm như thế này.

          Các nhà Tâm lý học hiện nay cũng đang bước đầu tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ nghiện game online. Nhiều quan điểm đã được đưa ra, trong số đó nguyên nhân thường được đề cập đến mà phụ huynh cần đặc biệt chú ý để tránh sai lầm trong cách giáo dục con trẻ. Đó chính là do nhu cầu được thể hiện và khẳng định bản thân ở con trẻ. Trong cuộc sống thực không phải lúc nào trẻ cũng có thể biểu hiện hết những suy nghĩ, thể hiện hết những mong muốn và khả năng của mình. Vì vậy, những trẻ có tính tự ti, cảm giác không thỏa đáng thường xuyên bị người khác phản đối dễ có nguy cơ cao đối với việc nghiện game online. Có một câu chuyện có thể minh họa cho những trẻ rơi vào trường hợp này. L.Đ.D là một thiếu niên đang tuổi mới lớn, học lực trung bình, mập mạp và tương đối thấp. Cậu rất thích chơi bóng đá nhưng cứ mỗi lần muốn chơi cùng nhóm bạn chung lớp thì ngay lập tức nhận được phản ứng: “Cậu mập quá chạy không nỗi đâu!”. Chẳng đội nào muốn nhận một cầu thủ thấp người và mập mạp cả. Bị thất vọng và cự tuyệt, cậu thấy mình không được tôn trọng và bắt đầu rút vào thế giới riêng. Nhưng tình cờ cậu biết đến FiFa, điều này đánh dấu bước khởi đầu vào thế giới ảo game online của Đ.D. Nhờ luyện tập, kỹ năng chơi bóng ảo Đ.D tiến bộ và thậm chí vượt xa khả năng chơi bóng thật của cậu. Cậu không những hài lòng với những kỹ năng chơi bóng của mình, mà quan trọng hơn cả cậu không bị nhận diện là một cầu thủ lùn và mập trong mắt các đồng đội và đối thủ ảo. Các phụ huynh hãy cùng suy nghĩ trong chốc lát với câu hỏi: “Nếu con mình là Đ.D, con sẽ muốn tiếp tục với cơ hội làm người hùng trong thế giới game online hay muốn tìm kiếm bạn bè chơi bóng để rồi bị từ chối?”.

          Xuất phát từ những trường hợp giống như Đ.D, lời khuyên dành cho quý phụ huynh là hãy quan tâm đến những hạn chế ở bản thân trẻ và tìm cách chia sẻ với những khó khăn ấy. Hỗ trợ trẻ thể hiện bản thân với chính khả năng và thế mạnh vốn có ở trẻ. Trẻ không thể chơi bóng đá cùng với bạn ở lớp, việc đăng ký một lớp bóng đá tại trung tâm văn hóa quận là một biện pháp thiết thực nhất. Nó không chỉ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương từ ba mẹ mà trên hết trẻ thấy mình thật sự có giá trị trong cuộc sống. Chính vì vậy, đối với những phụ huynh có con chơi game online, thời gian hè này là thời gian hữu hiệu nhất giúp trẻ khám phá và phát huy năng khiếu của bản thân mình, khẳng định giá trị bản thân thông qua việc tham gia vào những hoạt động giải trí bổ ích, lành mạnh. Khi trẻ có một hoạt động thật sự thú vị để tham gia vào thì trẻ không còn thời gian để lấn sâu vào hơn những game online bao lực có thể huy hoại sức khỏe và tinh thần của trẻ. Không khó để tìm một lớp kỹ năng sống bổ ích hấp dẫn, những hoạt động thể dục thể thao, nhảy múa tại các trung tâm văn hóa. Hãy quan tâm thật sự đến nhu cầu giải trí và nhu cầu khẳng định bản thân của trẻ để trẻ sống lành mạnh hơn, bền vững hơn, tự tin hơn vào chính bản thân mình.

          Ngăn ngừa vẫn tốt hơn là chữa trị. Đừng để sự thiếu quan tâm của chính bản thân mình mà để con trẻ đánh mất tương lai, hao mòn nhân cách. Không phải bất kỳ trẻ nào chơi game online cũng nghiện nhưng chúng ta cần chịu khó đề phòng vẫn tốt hơn nhất là trong những thời gian con trẻ dễ dàng bị cám dỗ bởi những trò chơi mang đầy chất kịch tính, hấp dẫn vẫn đang tồn tại trên thị trường và không ngừng được hoàn thiện và nâng cấp. Sau đây là một số biện pháp hỗ trợ phụ huynh ngăn ngừa nghiện game online ở trẻ:

1. Việc bố trí và sử dụng máy tính: Hãy đặt máy tính ở nơi phụ huynh có thể dễ dành quan sát, tránh để máy vào phòng riêng của con. Vì trẻ có thể chơi lén lút và thức khuya chơi game online mà bạn không biết.

2. Thiết lập mục tiêu chơi game online cùng trẻ: Không phải game online là hoàn toàn xấu. Ở một khía cạnh tích cực đối với những game online mang nội dung lành mạnh có thể giúp trẻ giải tỏa những căng thẳng và áp lực từ việc học hành, thậm chí nâng cao kỹ năng ghi nhớ, tư duy và phản xạ. Vì vậy, cấm đoán hoàn toàn là một điều khó được trẻ chấp nhận nhất là đối với những trẻ đang bước vào tuổi dậy thì mong muốn thể hiện cái chất người lớn ở bản thân. Hãy cùng trẻ đưa ra mục tiêu và thống nhất với nhau: mỗi tuần được chơi bao nhiêu lần và mỗi lần là bao nhiêu tiếng? Hãy dán bảng ghi chú trước máy tính để trẻ luôn nhớ “bản hợp đồng” đã được ký kết cùng với ba mẹ.

3. Cùng con tham gia vào những hoạt động giải trí khác: đừng bận tâm quá vào công việc mà bỏ rơi trẻ với những hoạt động giải trí riêng lẻ, một mình trẻ tham gia một hoạt động giải trì nào đó sẽ rất dễ dàng gây chán nản và bỏ cuộc giữa chừng. Trẻ thích chơi game online vì trò chơi này có thể tạo ra sự kết nối cộng đồng và trên hết trẻ có thể chơi cùng với những người bạn của mình. Nếu không có nhiều thời gian để tham gia đều đặn cùng với trẻ việc khuyến khích những người bạn học tham gia chung là một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, thỉnh thoảng hãy cùng trẻ tham gia một vài hoạt động nào đó để giúp con tránh xa việc tiếp xúc với game online quá thường xuyên mặc dù đã thiết lập mục tiêu chơi. Một buổi picnic hay đơn giản ghé qua lớp kỹ năng sống, lớp học võ, lớp khiêu vũ thể hiện sự ân cần và quan tâm của chính bạn dành cho con cái.

4. Thường xuyên tâm tình và khích lệ con: Hãy nhớ rằng đối với trẻ đang trưởng thành mọi lời la mắng chỉ làm trẻ bướng bỉnh hơn và càng muốn làm lại những điều trái với ý người lớn. Thay vì cứ la mắng con khi chơi game online, hãy trò chuyện với con một cách thân tình để lắng nghe những tâm tư và hiểu ra những khó khăn mà con gặp phải. Những cuộc trò chuyện thể hiện sự yêu thương và chăm sóc của bạn dành cho con. Trẻ có thể sẽ không nói ra nhưng chắc chắn trẻ sẽ không bị cảm giác bỏ rơi. Thông qua những cuộc trò chuyện phụ huynh có thể truyền thụ cho con trẻ những hậu quả của việc lãng phí thời gian khi chơi game online quá mức. Vấn đề này không phải đơn giản, nó cần sự nỗ lực, kiên nhẫn, công sức nhưng nếu con thấu hiểu được điều này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa nghiện game online ở trẻ.

5. Tìm chuyên gia giúp đỡ: Khi bạn không thể ngăn ngừa tình trạng chơi game online quá mức ở con cái và nhận thấy sự thay đổi trong hành vi bất thường của con từ khi chơi game online. Hãy tìm đến nhà tham vấn để họ có thể chia sẻ với bạn những biện pháp hữu hiệu và hướng can thiệp kịp thời để con không quá sa đà và vướng vào con đường nghiện game online.

                                                                             Huỳnh Văn Sơn – Mai Mỹ Hạnh

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *