Việc nghiền tập quá mức hay những hệ hụy của tập thể hình đã có thể trở thành một cơn nghiện mới dù ầm thầm nhưng sâu sắc.
Tập thể dục đã trở thành một yêu cầu trong cuộc sống hiện đại của không ít người trẻ. Thể hình là một trong những hình thức hay môn tập được khá nhiều người ưa chuộng.
Theo thống kê các hình thức hay các môn thể dục được yêu thích nhất dành cho độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi trên thế giới thì thể hình nằm trong nhóm năm môn đứng đầu. Tuy nhiên, cũng chính từ việc tập thể hình một cách say mê nên không ít người trở thành nạn nhân của một kiểu hành vi nghiện mới mà không hề hay biết.
Từ khỏe sang nghiện
Là sinh viên của một trường Đại học chuyên ngữ ở TP.HCM, Thế Luân tập tạ để giữ sức khỏe và nhằm cải thiện vóc dáng của mình. Gom hẳn khoản tiền để dành trong vòng hai năm để đến với một phòng tập khá có tiếng. Thoạt đầu chỉ với mục tiêu ba buổi một tuần, cậu nâng dần lên 6 buổi. Tập buổi chiều thì sợ nắng thế là cậu bỏ luôn cả lớp học tiếng Anh ở một trung tâm để tập suốt cả tuần cho đều đặn.
Trước đó với vẻ đẹp thư sinh thì sơ mi và quần tây là sự chọn hàng đầu vậy mà bây giờ Thế Luân bỏ tất cả, chuyển sang quần jean (quần bò) ôm sát, áo body đến mức thở không nổi; từ kiểu loại ba lỗ đến sát nách hay đến áo thun ôm có cổ, không cổ, và thậm chí là sơ mi kiểu được khai thác đến mức tối đa. Nhấn ben trước, ben sau để lộ ra những gì đẹp nhất của hình thể, Luân trở thành người nổi tiếng về chuyện khoe chuột, khoe cơ và vóc dáng chuẩn của mình.
Với nhiều người, việc tập thể hình từ để cho khỏe đã biến thành nghiện. Ảnh minh họa |
Những điều đó trở thành biểu hiện thường nhật. Có lần Luân còn tuyên bố: Bỏ đi chơi với người yêu thì sẽ bù sau chứ bỏ tập là không. Không, không, không nhất định là không! Có lần mẹ Luân nhờ chở về ngoại để thăm bà bị bệnh, Luân đã lạnh lùng tuyên bố: “Mẹ đi xe ôm đi mẹ nhé. Đến giờ tập rồi, bỏ thì tiếc lắm”.
Những nghiên cứu cho thấy hành vi nghiện đã xuất hiện ở đây. Hành vi nghiện khoe cơ thể đã đành, hành vi nghiện tập thể hình cũng xuất hiện.
Những dấu hiện của hành vi nghiện thường thấy là: Thường xuyên tham gia vào các hành vi đến một mức độ lớn hơn hoặc trong một thời gian dài hơn dự định; nỗ lực không thành để giảm thiểu hoặc kiểm soát hành vi; thường xuyên bận tâm đến hành vi; thường xuyên tham gia vào hành vi, bỏ bê thực hiện nghĩa vụ lao động, học tập hoặc xã hội; tiếp tục hành vi đối tượng bất chấp những hậu quả về sức khỏe, tài chính, tâm lý; tăng cường cường độ và tần số của các hành vi để đạt hiệu quả mong muốn; bồn chồn hoặc khó chịu nếu không thể tham gia vào các hành vi…
Như vậy, những biểu hiện của một số đối tượng tham gia tập thể hình quá mức chỉ cần đạt trên 50% các biểu hiện trên là hành vi nghiện đã bắt đầu tồn tại.
Không chỉ là những đối tượng trẻ mà chị M. – 31 tuổi than thở về người chồng cựu siêu mẫu của chị. Mỗi lần bỏ một buổi tập là anh cảm thấy bực bội và thế nào đêm đấy cũng cãi vã. Mỗi khi nhờ anh đón con vì chị đi làm về trễ là anh cau có, mắng mỏ thậm chí là kiếm chuyện để la mắng chị.
Chị nói như mếu: “Anh còn mê tập thể hình hơn cả mê tôi. Anh kỹ lưỡng đủ thứ đến mức phát khiếp từ khi tập tạ mỗi ngày: không được làm ồn sau 22h đêm, không được để con khóc giữa khuya, không được hơn một lần một tháng về chuyện “ấy”, không ăn lòng trắng trứng gà, không ăn đồ xào, không ăn thịt có mỡ… Tôi chẳng thấy tập khỏe gì mà chỉ thấy bực bội, chán ngắt. Hình như tập khỏe không thấy mà chỉ thấy tập để nghiện”.
Vì sao lại thế
Có thể nhận thấy hành vi của những người nghiện tập dễ dàng được lý giải. Khi bắt đầu tập thể hình vài ngày đầu tiên, sự mệt mỏi và căng thẳng sẽ dễ diễn ra. Tuy nhiên, khi thích ứng, những người tập bắt đầu nghiện khi trải nghiệm cảm giác sung sướng. Khi bắt đầu nhìn thấy “cơ” mình nở hơn sau một vài tuần tập, cảm giác thích thú nảy sinh ngay lập tức. Khi nhìn mình trong gương mỗi ngày, không ít người dần dần tự tôn chính mình và không ngừng cải thiện với thành tích đang có.
Tại những nơi người dân thường tập thể dục thể thao công cộng như bãi biển, công viên, nơi có thanh thiếu niên thường vui chơi, tập luyện TDTT nên có xà đơn…
Mặt khác, chính lúc những người tập thể hình khoác đôi giày, mặc chiếc áo tập hay khoe cơ của mình, so mình trong gương và so mình với những người cùng tập, cảm giác thoải mái, chiến thắng – cảm giác đè bẹp đối thủ nảy sinh và hành vi nghiện sẽ bắt đầu được xác lập và tăng hơn.
Thông thường những người nghiện thể hình thường tập luyện khoảng sau sáu tháng. Ban đầu là tăng dần buổi tập, giờ tập; thay đổi trang phục, thực hiện nhiều hành vi liên quan đến một bộ phận được ưa tích trên cơ thể, tăng lượng vận động cho một dạng thức bài tập, hướng đến sự thể hiện thế mạnh về hình thể trong những trường hợp khác nhau, thay đổi chế độ sinh hoạt và quan hệ xã hội theo hướng tôn vinh hình thể cá nhân.
Dưới góc độ lý thuyết, biểu hiện hành vi nghiện tập trung ở những hành vi chủ yếu như sử dụng hành vi ngày càng tăng, bất chấp những hậu quả về mặt sức khỏe, công việc và các mối quan hệ xã hội. Người có hành vi nghiện luôn bận tâm đến hành vi dẫn đến việc bỏ bê các hoạt động, nhiệm vụ của bản thân. Đặc biệt là dù người có hành vi nghiện cố gắng và nỗ lực nhưng vẫn không thể loại bỏ được hành vi này trong đời sống của chính mình.
Minh Ngần – cô giáo duyên dáng từng đoạt giải áo dài trong một cuộc thi ngành lý giải: Ban đầu cũng không nghĩ là mình nghiện hay nghiền gì. Nhưng khi đi tập rồi mới thấy thích đến sợ. Sợ có mỡ lên, sợ tay bị bủng, sợ chảy cơ, sợ khung không còn đẹp. Chính mấy cái sợ ấy thôi thúc tập. Đó là chưa kể cứ hay so với người ta nên tập lấy tập để. Và mất ba tháng để cân bằng. Bây giờ không còn đến chuyên gia để chia sẻ nhưng tập chỉ có một tuần ba ngày chứ không còn bảy ngày hay vắng tập sẽ điên hay sẽ bực đến mất ngủ như trước nữa.
Cần cân bằng
Việc tập thể dục hay thể hình là một trong những hoạt động rất lý thú của cuộc sống. Hoạt động này nhằm giúp con người sống khỏe và sống hạnh phúc. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần sống cân bằng và đừng để mình lệ thuộc vào việc tập thể hình. Việc tiết chế bản thân cần được thực hiện ngay từ khâu xác lập mục tiêu tập luyện, nội dung tập luyện cũng như thời gian tập luyện. Bên cạnh việc chọn lựa trung tâm tập luyện, người hướng dẫn và các bài tập thì cần kiên định với sự lụa chọn của chình nhằm tránh những yếu tố “khích” quá mức để dẫn đến việc lệ thuộc vào hành vi tập.
Song song với việc kiên định tập để khỏe còn chú ý đến việc cân bằng các định hướng của cuộc sống. Việc lựa chọn thời gian tập hợp lý và đều đặn nhưng đừng quá đáng đến mức có những sự việc xảy ra bất ngờ mà bản thân vẫn không thể điều tiết quãng thời gian của mình. Hơn thế nữa, những người tập cần ý thức được cuộc sống còn nhiều nhiệm vụ khác nhau, cuộc đời cần nhiều yếu tố được quan tâm một cách phù hợp như: gia đình, con cái, công việc, mối quan hệ xã hội… mà không chỉ có việc tập thể hình để tăng “độ đô” hay sự hoành tráng của cơ thể.
Khi phát hiện mình có dấu hiện chú ý quá mức đến cơ thể hay việc lựa chọn trang phục có vấn đề theo ý kiến của nhiều người ở những nhóm tuổi khác nhau hoặc những vị trí xã hội khác nhau thì cần nghiêm túc nhìn nhận và điều chỉnh. Cần có những phút giây vui vẻ và bình dị hay thậm chí vô tư, cần có những lúc hướng mình đến vẻ đẹp hoàn hảo trong sự chăm chút để cân bằng cuộc sống của chính mình.
Nếu những hành vi nghiện đã bắt đầu tồn tại và cảm nhận những dấu hiệu của hành vi nghiện tập đã xác lập cần nhanh chóng tạm dừng hoạt động và chia sẻ ngay với nhà tham vấn hoặc chuyên gia trị liệu để được sự can thiệp kịp thời. Điều đó đảm bảo được sự cân bằng về thể chất lẫn tâm lý của người tập luyện cũng hướng đến một cuộc sống khỏe khoắn và hạnh phúc trong môi trường hiện đại.
Không thể đi ngược lại với với sống khỏe bằng phong trào tập thể dục thường xuyên, đều đặn trong một xã hội hiện đại. Nhưng rõ ràng, việc nghiền tập quá mức hay những hệ hụy của tập thể hình đã có thể trở thành một cơn nghiện mới dù ầm thầm nhưng sâu sắc. Sống khỏe là một quá trình phấn đấu, tập luyện và cân bằng. Tập thể hình để khỏe sẽ là lựa chọn thông minh. Bất kỳ sự quá sức nào hiểu về nghĩa thể lý hay tâm lý đều không phù hợp trong tiến trình hướng đến một cuộc sống an lành.