PGS. TS Huỳnh Văn Sơn
Hàng loạt vụ học sinh tự tử diễn ra gần đây đa số đều gắn liền với những nguyên nhân tưởng chừng rất đơn giản. Từ chuyện bị nghi ngờ ăn cắp, bố mẹ mắng vì học hành chểnh mảng, hay bị thầy cô la mắng, xúc phạm, các em này đều giải quyết một cách bồng bột đó là tìm đến cái chết. Sự ra đi của các em nhằm giải quyết các vấn đề như: chứng minh mình trong sạch, sức chịu đựng có giới hạn nên muốn thoát khỏi cảnh này… Gần đây nhất là vụ tự tử gây bàng hoàng dư luận của ba nữ sinh khá, giỏi Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, (sinh năm 1998) học lớp 7A trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông). Buồn chán, u uất, không tâm sự với ai mà cứ thế ra đi, đó là điểm chung của các vụ tự tử ở tuổi vị thành niên. Qua nhiều trường hợp học sinh tự tử cho thấy, đã đến lúc cần nhìn lại sự gần gũi, giao tiếp giữa bậc người lớn với trẻ vị thành niên, không chỉ nhà giáo dục mà phụ huynh cần nắm bắt và hiểu sâu sát hơn về những thay đổi tâm lý của con trong giai đoạn này để ứng xử cho phù hợp.
Trẻ vị thành niên thời hiện đại
Trẻ vị thành niên có những cảm xúc sâu sắc hơn và biến đổi nhanh hơn rất nhiều so với thời kỳ trẻ thơ hay khi trưởng thành. Những thay đổi này thường xuất phát từ phát triển của bộ não, vì những phần não bộ kiểm soát cảm xúc chưa kết nối đầy đủ với phần não bộ điều khiển hành vi, trẻ vị thành niên có thể cảm thấy bản thân choáng ngợp trong mớ cảm xúc của mình. Thông thường, trẻ vị thành niên lo lắng, cô đơn, lúng túng, bối rối và cảm thấy day dứt nhiều hơn những gì mà người lớn có thể hiểu nổi. Điều này đặc biệt chính xác trong trường hợp trẻ biểu hiện không tốt ở trường học, không được bạn học chú ý tới hoặc trải qua những xích mích trong đời sống. Sự biến đổi về mặt nhận thức, khả năng tư duy trừu tượng của các em tăng lên, suy nghĩ của các em về mọi thứ trở nên sâu sắc hơn. Cũng chính yếu tố này, khiến các em tập trung hơn vào bản thân mình. Mỗi khi nghi ngờ mọi người đang suy nghĩ điều gì đó về mình, các em sẽ cho rằng họ phán xét và suy nghĩ như vậy trong mọi lúc. Các em tin rằng không một ai có thể hiểu được hoặc cảm nhận mà chính các em cảm nhận.
Mặc dù phần lớn trẻ vị thành niên và gia đình có thể trải qua những giai đoạn khó khăn của tuổi vị thành niên một cách an toàn nhưng một số em biểu lộ những hành vi và cảm xúc đòi hỏi những hỗ trợ đặc biệt từ nhà trường, xã hội. Trong cuộc sống hiện nay, ngày càng nhiều nhân tố áp lực tác động mạnh đến hành vi và cảm xúc của trẻ vị thành niên như việc bị bắt nạt hay ngược đãi ở trường, sống trong một gia đình hỗn loạn và nhiều xung đột, bị ngược đãi về thể chất và tình dục, bị cha mẹ thờ ơ, chứng kiến bạo lực gia đình, sống với cha mẹ nghiện hút, gặp các vấn đề về thần kinh, bệnh tật hay chấn thương thể chất, chứng kiến ba mẹ ly hôn, sống trong cảnh nghèo khổ, sống trong khu dân cư nhiều bạo lực, gặp phải khuyết tật nào đó về thể chất, mất đi người thân trong gia đình… Lẽ đương nhiên, bất kỳ trẻ vị thành niên nào cũng đều trải qua tất cả cảm xúc hạnh phúc, buồn chán, cáu giận, sợ hãi, thất vọng, hào hứng… đôi khi chỉ trong cùng một ngày. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của một số nhân tố đặc biệt được nêu trên, những cảm xúc quá sâu sắc đến mức các em cảm thấy choáng ngợp. Sự choáng ngợp của cảm xúc, dễ dàng đẩy các em vào trạng thái chán nản. Ở một số em, “triệu chứng chán nản” này chỉ là những cảm xúc cực đoan đặc trưng của lứa tuổi, nhưng trong những trường hợp khác – không tìm được sự chia sẻ và giải toả có thể dẫn đến bệnh lý. Khi trẻ mắc chứng chán nản thường cảm thấy tội lỗi về những hành vi trong quá khứ – dù tội lỗi này vô cùng bé nhỏ và thường dằn dặt mình bằng những từ ngữ không hay.
Đặc biệt hơn, trẻ vị thành niên ngày nay chịu quá nhiều áp lực về học hành và những kỳ vọng mà gia đình và xã hội đặt lên vai. Thành tích học hành, đạt điểm số cao, đỗ vào trường đại học, phải “hoàn hảo” trong mắt người lớn và biểu hiện hành vi của các em luôn được đem ra là thướt đo cho sự tự hào và niềm hãnh diện của mỗi gia đình. Ở một số em có ý thức cao về trách nhiệm của bản thân và kỳ vọng của gia đình thì áp lực trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Hầu hết, trẻ vị thành niên hiện nay vẫn buộc phải đối mặt với một số vấn đề có thể khiến việc chuyển tiếp từ giai đoạn “trẻ con” sang “người lớn” đặc biệt khó khăn hơn nếu các em không được nhà trường, gia đình trang bị các kỹ năng xã hội để đối phó với mọi bất ngờ có thể ấp đến. Đó là vấn đề ảnh hưởng của phim ảnh – thất tình hay không hài lòng với cuộc sống sẽ đi tìm cái chết, trò chơi bạo lực – cái chết diễn ra rất dễ dàng và bình thường, một số trang tin chạy theo xu hướng thời thượng – sự giàu sang, “hợp mốt”, thiếu yếu tố giáo dục giá trị tinh thần và bản lĩnh cá nhân. Thướt đo giá trị của “teen” là sự sành điệu, khiến ở một số học sinh chất chứa nhiều hơn về mặc cảm nghèo khó, dằn dặt hơn về cuộc sống nghèo khổ.
Một số trẻ vị thành niên chán nản, buồn bã, căng thẳng dưới các tác động khác nhau có thể thể hiện ra hai phản ứng trái ngược nhau tuỳ thuộc vào khí chất ở mỗi em: một là bùng nổ, nghịch phá, làm trái lại hoàn toàn những mong đợi của người lớn; hai là chịu đựng, dằn dặt và hành hạ bản thân mình. Ở phản ứng thứ thứ hai, một số trẻ vị thành niên có thể nghĩ đến cái chết. Những suy nghĩ này không giống nhau về mức độ và tình tiết. Đó có thể là một phút ngắn ngủi các em tự hỏi bản thân sau khi chết sẽ ra sao, nếu như chết mọi việc sẽ thế nào? Đó có thể là cả một kế hoạch chi tiết cho việc tự sát. Những tác phẩm và những bài viết của các em thường ẩn chứa các đề tài không lành mạnh liên quan đến sự sống và cái chết. Đôi lúc, trẻ sẽ bộc lộ những lời nói như “ước gì ngủ một giấc không bao giờ tỉnh dậy” hoặc “ước gì con có thế chết đi”… Những lời nói trong lứa tuổi này cần được người lớn tiếp nhận một cách thận trọng, đôi lúc đó không phải là những phản ứng bất ngờ hay sự bướng bỉnh của lứa tuổi mà còn chứa đựng những suy nghĩ và dự định tiêu cực cần được quan tâm ngay lập tức. Ở tuổi vị thành niên, tâm trạng chán nản là nhân tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới hành vi tự sát, bất kể trẻ làm điều đó vì cáu giận hay buồn bã. Người lớn hãy thật sự lưu tâm tới bất cứ lời nói nào của trẻ gợi liên tưởng tới những suy nghĩ về cái chết, muốn chết hoặc bất kỳ hành vi tự sát nào. Những đánh giá sâu sắc hơn về tình trạng này là một điều vô cùng cấp thiết.
Người lớn – Giá như hay hành động ngay khi có thể?
Trường hợp của ba nữ sinh trên đã thật sự là hồi trống báo động rằng người lớn bao gồm cả nhà giáo dục và gia đình luôn phải chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh và con cái mình trong lứa tuổi chuyển tiếp này. Sự ra đi của các em là sự tiếc nuối và ngỡ ngàng, giá như những tâm tư của các em được chia sẻ, giá như có một nhà tham vấn học đường và giá như các em được trang bị những kỹ năng để có thể ứng phó với áp lực, giải toả cảm xúc tiêu cực của bản thân. Nhưng không thể để những giả thuyết giá như ấy như một nhận định hay một ý kiến về mặt bình luận xã hội mà nhất thiết cần sự hành động… Trong điều kiện, giáo dục chưa thể cung cấp một lực lượng lớn các nhà tham vấn học đường đến từng trường học thì chí ít trong giai đoạn này mỗi nhà giáo dục, người giáo viên hãy là một “nhà tham vấn” trong những khả năng có thể. Học sinh đôi lúc không đòi hỏi quá nhiều sự hỗ trợ chuyên môn mà cái các em mong muốn là được thấu hiểu, thông cảm và ghi nhận. Trong nhiều ca tham vấn, không hiếm trường hợp học sinh gọi điện trực tiếp cho nhà tham vấn đòi tự tử, sự sống và cái chết chỉ là một khoảng mong manh, nhưng trong khoảng mong manh ấy sự sống được níu giữ khi chính các em được bộc bạch và giải toả hết tâm tư của mình… Giáo dục theo nghĩa rộng bao hàm việc “giáo dưỡng” và “dạy học”, nghĩa “dưỡng” ở đây không đơn thuần là dưỡng, uốn nắn mặt nhân cách mà còn bao hàm cả việc chăm sóc đời sống tinh thần, sức khoẻ tinh thần cho học sinh. Bởi sức khoẻ tinh thần là nền tảng của sự khoẻ mạnh nhân cách, là tiền đề nhân cách được phát triển một cách toàn diện. Chính vì vậy, việc lắng nghe, chia sẻ của nhà giáo dục cũng quan trọng như việc truyền thụ tri thức…
Những trường hợp tự tử của học sinh không chỉ để lại những nỗi đau cho xã hội mà còn là những bài học quý báu trong việc giáo dục con cái ở mỗi gia đình hiện nay. Cuộc sống dù tất bật và bận rộn như thế nào thì gia đình không thể giao phó hoàn toàn con mình cho nhà trường trong sự phát triển và hoàn thiện nhân cách. Gia đình luôn là chiếc nôi, là lực đẩy và trẻ có hạnh phúc và hài lòng về bản thân mình hay không phần lớn sẽ xuất phát từ sự giao tiếp của các bậc phụ huynh với trẻ vị thành niên trong giai đoạn này. Giao tiếp và hỗ trợ các em giai đoạn này là một điều thật sự cần thiết và cũng không quá khó nếu phụ huynh dành thời gian nhiều hơn cho con, lắng nghe con nhiều hơn, xây dựng cho con lòng tự trọng, chỉ cho con thấy những điều tốt đẹp ở bản thân và tình yêu thương mà gia đình dành cho con. Phụ huynh đừng tạo quá nhiều áp lực cho con, điều quan trọng là con trẻ cảm thấy hạnh phúc và bình yên để bước qua giai đoạn này… Trẻ sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn để giải toả căng thẳng và khẳng định bản thân nếu được mở rộng khái niệm thành công và được xác nhận những tài năng mà mình có, điều này giúp trẻ hài lòng hơn với con người của mình. Mặc dù trẻ vị thành viên ở giai đoạn này bị chi phối khá nhiều từ phía bạn bè nhưng chủ yếu vẫn là hình thức bề ngoài, sở thích cá nhân. Đa phần, các em vẫn lắng nghe và cần tới các quan điểm đạo đức, chuẩn mực sống và sự hỗ trợ tình cảm từ cha mẹ.
Bất kỳ một ý nghĩ hoặc một cảm xúc nào ở lứa tuổi vị thành niên đều cũng có thể trở thành hiện thực, các em không chỉ cần sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè, trường học mà một điều cần thiết là bản thân các em cần được trang bị những kỹ năng sống để ứng phó và xử lý được những vấn đề, cảm xúc tiêu cực của mình tốt hơn, bảo vệ bản thân mình tránh khỏi những bế tắc không đáng có… Những kỹ năng này phải được trang bị từ khi còn nhỏ qua sự uốn nắn của cha mẹ từ những bài học về sự tự lập, tự tin và nhận thức về bản thân mình, về các giá trị sống. Đồng thời sẽ được nhà trường củng cố, gọt giũa sâu sắc hơn phù hợp với những chuyển biến trong tâm lý của học sinh, trong bối cảnh xã hội và yêu cầu về mặt thích ứng trong từng hoàn cảnh, điều kiện khác nhau để học sinh có thể thích nghi và giải quyết được những tình huống bất ngờ trong cuộc sống.
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN