CÂU CHUYỆN MỞ ĐẦU
Ảnh minh họa
Chúng tôi gặp cháu trong một chiều nắng đẹp. Không ai nghĩ rằng một ánh mắt rất hiền như thế mà có thể trở thành “đại ca ngầm” trong lớp… Nào là ngồi lên đầu bạn, mắng bạn là cả nhà bạn ngu nên học dốt từ trên xuống dưới… Đòi sẽ tẩy chay một bạn nữ trong lớp khi phát hiện bạn nhờ mẹ vẽ giùm để đạt điểm 10 nhưng cô giáo đã không phát hiện.. Nhân vật chính là Minh Bảo – mới 9 tuổi mà đã có những hành vi thiếu cân bằng như thế… Mẹ Bảo cho biết: Năm lớp 1 và lớp 2 thì chỉ thấy hơi ăn hiếp bạn nhưng dạo gần đây thì quá quắt nên chắc chắc đã có vấn đề…
CHẮN HẲN CÓ NGUYÊN NHÂN
Không phủ nhận rằng những hành vi trên chưa phải là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhưng với một đứa trẻ lớp 3 thì nguy cơ tiềm ẩn là không phải nhỏ. Tiến hành tương tác và kiểm tra diễn tiến thì nguyên nhân bắt đầu lộ rõ. Cháu quá được cưng chiều, cháu luôn coi mình là số một. Không ít lần mẹ cũng muốn biến cháu thành số một về học tập… Vốn dĩ gia đình cũng khá giả nên cháu tỏ ra giàu có từ rất sớm, vốn trí tuệ cháu cũng khá nên cháu không muốn mình phải thua ai, cộng với việc cô giáo cũng cho rằng cháu rất trội về sức khoẻ và Toán nên tính tự kiêu bắt đầu xuất hiện… Cũng thật sự may mắn khi cha mẹ rất nhạy cảm với những biểu hiện ban đầu đấy và nhờ sự can thiệp của trường học hay của các chuyên gia tham vấn. Tình hình sẽ không phải là quá khó khăn khi phác đồ trị liệu nhận thức và điều chỉnh hành vi được đưa ra: cháu cần nhận thức lại các giá trị, điều chỉnh thái độ, nhận ra viễn cảnh và tương tác tác tích cực bằng những lời nói và hành vi giao tiếp…
Thế nhưng có những câu chuyện chắc hẳn có những nguyên nhân mà người trong cuộc không nhận ra hoặc đã nhận ra nhưng thiếu hẳn sự nhạy cảm hay sự quyết đoán để có những hành vi tương tác.
Không muốn đỗ lỗi thêm nữa cho hành vi của người đàn ông gây chấn động dư luận trong tháng tám năm 2011 này khi đã ra tay thảm sát ba mạng người ở tiệm vàng. Ở một góc độ nào đó, những dấu hiệu hành vi tiềm tàng chưa có đủ cơ sở nhưng rõ ràng không thể phủ nhận những diễn tiến hành vi sớm và thậm chí là rất sớm. Thương thật thương khi cha mẹ của người thanh niên ấy phải vật lộn từng ngày để kiếm sống nhưng ngay từ nhỏ với độ tuổi 15 đã đủ can đảm lấy cắp số tiền 4 triệu để lao vào chốn Hà Thành tiêu xài… Với nghề nghiệp rất bình thường và dùng sức khoẻ để có thể mua bán thì liệu số tiền ấy có phải là dễ tìm… Khi hành vi ấy xảy ra bố mẹ đã làm gì để sớm điều chỉnh? Liệu rằng những biện pháp nhất định có được thực hiện để ngăn chặn những diễn tiến hành vi tiếp theo…
CẦN NHẬN DẠNG BẰNG SỰ NHẠY CẢM
Không thể trách những bậc phụ huynh phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày hàng bữa để nuôi chính mình và dành hết khả năng kinh tế để giúp con trưởng thành. Không thể đòi hỏi quá nhiều khi khó khăn của cuộc sống cứ bủa vây, những thách thức từ đời sống thực tiễn cứ thay nhau quấy phá.. Nhưng rõ ràng các bậc cha mẹ cần có một chút sự nhạy cảm và ý chí cũng như sự đầu tư có hướng bằng thái độ kiên định.
Thứ nhất, việc giáo dục con không thể thiếu sự nhạy cảm. Việc nhận ra con mình có xu hướng đua đòi theo chúng bạn hay theo dân chơi hoặc người lớn là điều cầu thiết. Phát hiện con gái mình có những biểu hiện như chăm chút quá mức đến cơ thể, điệu đàng, có những hành vi thiếu tính đoan chính theo sự nhận định chuẩn mực, cha mẹ cần khéo léo quan sát, cần chú ý lắng nghe và trò chuyện với con cái để có thể có những sự can thiệp vừa phải. Phát hiện con mình có những giấc ngủ khó yên, có những trăn trở qua hơi thở, giấc mơ…. thì chính cha mẹ là người thật nhanh nhạy để có những tác động nhất định. Sự nhận thức ấy không hẳn được thực hiện bằng yếu tố nhận thức mà còn thực hiện bằng sự nhạy cảm của một con người.
Tuy nhiên, yếu tố thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là sự đầu tư có đích đến của mình. Đành rằng hết sức thông cảm khi cha me phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh nhưng cũng không thể thiếu sự định hướng khi phát hiện con mình có những vấn đề. Anh Nguyễn Bình – phụ huynh của học sinh lớp 7 phát hiện con mình ăn cắp gần 500.000 đ của mẹ để chơi game, liên tục bỏ học ba buổi chiều để bám trụ tại tiệm internet… Đánh một trận đòn, giảng bằng một bài giảng lý thuyết một tiếng đồng hồ… Anh lại lên đường đi làm ăn phương xa. Với một người mẹ vừa tròn 30 tuổi, một cậu con trai 12 tuổi sẽ đặt niềm tin theo định hướng thiếu sự sâu sắc khi khả năng thuyết phục của mẹ lại khá kém… Câu hỏi xem chừng là một thách thức không lời giải. Ở đây, chính sự cân nhắc của cha mẹ là hết sức quan trọng. Có thể đói một chút nhưng cái ấm của tình thương có thể xua tan đi bóng ma cơn nghiện, có thể nghèo một chút nhưng mối dây thân tình sẽ là điểm tựa để con quay về, có thể ít tiền một chút, ít ăn một chút nhưng sự đoàn kết giữa các thành viên sẽ là chất keo làm trẻ gắn kết với gia đình nhiều hơn? Điều đó phải biến thành phương châm hành động và cần được điều chỉnh ngay lập tức.
Điều thứ ba cũng rất quan trọng đó là sự kiên định của các bậc cha mẹ. Không ít bậc cha mẹ thiếu sự kiên định khi rèn luyện hành vi cho con trẻ. Khi con trẻ có biểu hiện sai trái, thông thường nhiều phụ huynh thể hiện rất rõ sự vội vàng của mình qua những lời la mắng hay những trận đòn nên thân. Không quá nhiều phụ huynh kiên nhẫn lắng nghe lời giải thích, lắng nghe kế hoạch thay đổi, kiên nhẫn quan sát trẻ, kiên nhẫn và tinh tế nhìn nhận sự điều chỉnh của đứa trẻ… Thậm chí việc thử thách trẻ một cách tinh tế cũng là điều cần làm để đứa trẻ có thể khẳng định chắc nịch về hành vi của mình đã được điều chỉnh…
Rõ ràng những yêu cầu trên cho thấy việc nhận dạng những hành vi rối nhiễu của con cái dưới dạng tiềm ẩn là yêu cầu hết sức phức tạp nhưng lại trở nên cần thiết. Không phải trẻ nào cũng có thể thể hiện ra mặt những hành vi lệch chuẩn hay những hành vi rối nhiễu một cách công khai. Chính thái độ ngầm ẩn và suy nghĩ mang tính tiêu cực nội tại lại là những biểu hiện phức tạp. Các bậc cha mẹ có thể nhận dạng điều này bằng những cách đầu tư thích ứng: dành thời gian trò chuyện và tâm sự, giữ mối quan hệ thân tình va sự gắn bó, tham gia hoạt động cùng con, thẳng thắn trao đổi và chia sẻ… Những điều kiện ấy sẽ góp phần quan trọng để giúp các bậc cha mẹ có thể mau chóng và nhạy cảm nhận dạng những biểu hiện có nguy cơ để điều chỉnh kịp thời nhằm phát triển đứa trẻ một cách an toàn theo hướng đích…
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn