Ảnh minh họa
Nhiều người vẫn thường cho rằng, đã là vợ chồng thì phải có những điểm tương đồng về một vài sở thích, quan điểm sống, quan điểm hạnh phúc gia đình,… Thậm chí không ít người còn khẳng định chắc nịch rằng hai vợ chồng cứ như trời sanh một cặp… Giống cả hình thức lẫn tính tình… Nhìn hai đứa đi chung mà cứ tưởng như hai anh em một nhà… Cũng chính vì lẽ ấy không ít bạn trẻ quyết định đi tìm người của mình theo phương thức một nửa đi lạc ở phương nao… Tuy nhiên, trong thực tế không hiếm những cặp đôi dù rất hợp nhau nhưng đã chia tay chóng vánh sau hôn nhân. Ngược lại, vẫn có một số cặp vợ chồng bề ngoài có vẻ hoàn toàn tương phản với nhau về nhiều mặt nhưng họ vẫn có được đời sống hôn nhân mà nhiều người mong muốn. Vậy, tương đồng về tính cách, về sở thích,… có phải là yếu tố quan trọng nhất để hôn nhân bền vững và hạnh phúc? Chúng ta nên nhìn nhận sự hòa hợp của vợ chồng trong đời sống hôn nhân theo hướng nào?
Câu chuyện thứ nhất
Xin được mở đầu bằng trường hợp của cặp vợ chồng Mỹ và Tuân. Cả hai lấy nhau được 3 năm và có được cậu con trai một tuổi nhưng họ vẫn cãi nhau suốt. Chơi cũng cãi, ăn cũng cãi. Nói chung, nếu đánh giá sự hòa hợp của hai vợ chồng theo thang điểm từ 1 đến 10 thì sẽ không thiếu hàng xóm và người thân sẽ cho Mỹ và Tuân điểm… 0 tròn trĩnh. Người thì thích bật nhạc to, người thì thích nghe nhạc nhỏ. Người thì thích phòng ngủ tối om, người thì thích phòng ngủ có đèn mờ mờ. Người thì thích nhậu nhẹt, sau giờ làm đi uống vài ly bia với bạn bè. Người thì thích vợ chồng con cái cùng có mặt để ăn bữa cơm chiều,… Những tưởng sau những trận cãi vã, thậm chí “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” vợ chồng sẽ không thể cùng đi chung trên một con đường nữa. Nhưng cuối cùng Mỹ và Tuân cũng chung sống ấm cúng đã hơn mười năm chẵn. Rõ ràng vợ chồng họ có sự mâu thuẫn, sự khác biệt nhưng điều quan trọng giúp họ duy trì hạnh phúc chính là sự chia sẻ, cảm thông cho nhau. Sau mỗi lần “xảy ra chuyện”, cả hai lại có dịp suy nghĩ về nhau, hiểu nhau và yêu thương nhau hơn. Dần dần, vợ chồng không ai bảo ai nhưng đã cùng nhau thay đổi chính mình để có thể “cơm lành, canh ngọt” hơn. Thay vì tối nào cũng “tăng ca” với bạn bè thì Tuân chủ động đặt ra quy định mỗi tuần sẽ cùng vợ và con ăn tối ít nhất bốn buổi. Mỹ cũng cảm thông với chồng hơn, dù sao anh cũng cần có bạn bè và những mối quan hệ khác.
Câu chuyện thứ hai
Trường hợp của vợ chồng anh Trung lại có vẻ trái ngược hẳn. Anh Trung vốn là người nói rất nhiều, lúc nào cũng nói từ việc ở cơ quan đến việc gia đình, việc thấy ngoài đường đến việc bất bình với người hàng xóm. Vợ anh lại rất trầm, ít nói. Mẹ của anh ở quê lâu lâu mới lên thăm, ngoài việc thưa gửi hiếm khi vợ anh hỏi thăm bà cụ lấy một tiếng. Sau giờ làm việc, chị về nhà nấu cơm, dùng cơm và… ngồi im chăm chú trước máy tính với sổ sách của công ty. Lúc hai người quyết định lấy nhau gia đình hai bên cũng e ngại về hạnh phúc của hai người, một người sống quá hướng nội và một người quá hướng ngoại, liệu rằng hôn nhân có bền vững?! Tuy vậy, thời gian chung sống và sự thành đạt của con cái chứng mình rằng hôn nhân họ thật sự mĩ mãn. Sắp tới họ sẽ kỷ niệm 30 năm ngày cưới bằng một bữa tiệc ấm cúng với bạn bè và người thân. Bí quyết của họ là ở niềm tin, tình yêu và cảm nhận tích cực về người bạn đời của mình và biết bù đắp cho nhau. Chị Thư biết rằng chồng mình nói nhiều nhưng lòng dạ hiền lành, hơn nữa anh lại là người rất tinh tế khi nhìn ra những muộn phiền của vợ mặc dù vợ không nói. Chi Thư ít nói nhưng lại là người biết lắng nghe, anh Trung nói rằng tuy chị ít đáp lại nhưng chị lại biết thể hiện sự đồng cảm bằng ánh mắt, nụ cười, những nụ hôn,… Điều có đôi khi lại có sức mạnh với đàn ông hơn là lời nói.
Vì ta cần nhau
Hòa hợp không hẳn phải là sự tương đồng, sự giống nhau về tính cách, sở thích, quan điểm. Trong hôn nhân, điều quan trọng nhất là sự chấp nhận nhau, sự dung hòa và bổ khuyết khi cần thiết. Có một ví von khá thú vị là vợ chồng như hai bánh xe răng cưa được lắp ráp vào nhau để cỗ máy hôn nhân được vận hành trơn tru. Mình khiếm khuyết ở điểm nào thì có người kia bổ sung cho mình về điểm đó. Điều này có nghĩa là vợ chồng không nhất thiết phải giống nhau về tính tình hay hình thức mà quan trọng học biết chấp nhận nhau để cùng xây dựng hạnh phúc. Khi thực sự yêu nhau, mỗi người luôn muốn làm tất cả để đem đến hạnh phúc cho người mình yêu. Chấp nhận nhau không phải là điều dễ dàng để thực hiện nhưng nếu có tình yêu thì mọi điều đều có thể. Đó mới chính là cơ sở quan trọng để ăn đời ở kiếp mà không phải chỉ là sự hợp giả ở những biểu hiện ban đầu…
Tình yêu và đời sống gia đình được xây dựng từ nhiều nền tảng khác nhau. Cuộc sống ngày càng hiện đại thì càng nhiều trở ngại gây khó khăn cho cuộc sống gia đình. Người ta có thể đổ lỗi cho sự tan vỡ hôn nhân với nhiều lý do nhưng trước hết hãy nhìn nhận nguyên nhân từ chính bản thân của mình. Ta có thực sự bỏ qua cái tôi để sống với tình yêu của đời mình? Sức mạnh để duy trì mối quan hệ vợ chồng suốt đời đó chính là tình yêu đích thực. Nó giúp cho mỗi người vợ, mỗi người chồng có sức mạnh, nguồn cảm hứng, tận tụy và sống trách nhiệm với chính người bạn đời của mình. Bởi lẽ, điều quan trọng nhất trong hôn nhân là vì ta cần nhau…
Giả định về phân nửa của chúng ta đi lạc vẫn còn đó. Người ta cũng cố gắng tìm người hoà hợp đúng nghĩa với mình khi bước vào chuyến hành trình đi tìm tình yêu và hạnh phúc gia đình. Thách thức vẫn còn ở phía trước, điều căn bản là cần chấp nhận sự tương đối và đặc biệt là có hết lòng hát khúc ca vì ta cần nhau hay không chứ không hẳn chỉ là sự mong manh hoà hợp ban đầu… Cái tưởng chừng không hoà hợp lại trở thành sự kỳ diệu nếu mỗi người khi yêu, khi cưới quyết chí đến với nhau và ở với nhau… Điều này hơn hẳn tưởng rằng ta hoà hợp nhưng lại đồng sàng dị mộng hay lại lẳng lặng kiếm thêm mà không bỏ bớt để tình yêu vội vã chết lâm sàng…
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn