Những đứa trẻ nuốt kẹo đắng và Thông tư 23 bị bỏ quên

PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn từng cảnh báo, nguy cơ một đứa trẻ bị xâm hại khi trưởng thành sẽ lệch lạc nhân cách, lệch lạc hành vi là rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiều bé gái là nạn nhân của xâm hại tình dục đã tỏ ra bất cần, bỏ mặc cuộc đời, nếu thiếu sự quan tâm hỗ trợ kịp thời. Thật xót lòng khi nghe người đại diện Bộ Công an dự báo: tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ diễn biến vô cùng phức tạp, nhất là khi loại hình tội phạm tấn công, xâm hại trẻ ngày càng tinh vi qua mạng xã hội, diễn đàn internet, nhắn tin trực tuyến…

Nguy cơ trẻ “ăn kẹo đắng” hãy còn tiếp diễn!

Những quy định pháp luật bị lãng quên

Bà Mai Thị Ngọc Mai – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, ngoài Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, hiện có hàng chục văn bản dưới luật nhằm thực thi công tác bảo vệ trẻ em như Nghị định 71/2011 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật, Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em; Thông tư 23 của Bộ LĐ-TB-XH về quy trình can thiệp trợ giúp và bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, Quyết định 34/2014/QĐ- TTg về quy chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em…

Trách nhiệm đó được giao cụ thể cho các bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Công an cũng như toàn hệ thống chính quyền. Các tổ chức đoà n thể, chính trị xã hội, kể cả Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng chỉ là thành viên để thực thi nó. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định pháp luật này trên thực tế vẫn còn nhiều điều đáng nói. Thậm chí, tại các địa phương hầu hết chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, không mấy thu hút người quan tâm. Nhiều buổi tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em diễn ra hời hợt, với loa, nhạc rầm rộ, nhưng thông tin sơ sài, người nghe ngán ngẩm.

ThS Lê Thị Xuân Lang – có thâm niên trên 20 năm là hội thẩm nhân dân ở TAND TP.HCM cho biết: “Chưa từng có xã phường nào tại TP.HCM tuân thủ đúng quy trình can thiệp, trợ giúp, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục đúng với tinh thần của Thông tư 23 (về quy trình can thiệp trợ giúp và bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục)”. ThS Xuân Lang nhắc lại trường hợp bé N.Y., ở Q.9 – một nạn nhân bị người hàng xóm xâm hại khiến phải mang thai và sinh con khi chưa đầy 14 tuổi: “Sau khi vụ việc bị phát giác, người đàn ông xâm hại bé bị bắt, coi như chính quyền… hết nhiệm vụ”.

Suốt ba năm qua, chỉ có các chị ở Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khu vực phía Nam này lui tới với bé. Khi thì tặng sữa, lúc hỗ trợ tiền, trợ vốn cho mẹ của bé làm ăn, nuôi con gái và cháu ngoại. Bé Y. bị trầm cảm sau sinh, ThS Xuân Lang dường như là người duy nhất giúp bé thoát bệnh và ổn định tinh thần. Chính quyền và các các đoàn thể nơi gia đình bé cư trú, chưa một lần tìm đến an ủi, sẻ chia.

Vì sao chính quyền xã phường không thực thi nhiệm vụ này trong khi quy định pháp luật đã rõ: bàn giao về cho họ? Câu hỏi hầu như không có lời đáp. Nhiều cán bộ tư pháp cấp xã cho biết, “mấy chuyện này ngại lắm”.

Bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phân tích: “Chỉ vì bệnh thành tích. Chúng ta sai lầm khi gắn việc bảo vệ trẻ em với thang điểm thi đua. Cụ thể, tiêu chí của thang điểm thi đua cho xã phường quy định địa phương nào không xảy ra xâm hại trẻ em thì được 75 điểm, nếu xảy ra ở mức độ thấp giảm 15 điểm… Cán bộ xã phường không công khai việc trẻ bị xâm hại vì… bị trừ điểm thi đua. Vậy làm sao bảo vệ các em?”

Hệ lụy là, chính quyền “bỏ quên” những quy định pháp luật, làm qua loa, cho có, chạy theo thành tích, không kịp thời ngăn chặn kẻ xấu, khiến số trẻ bị xâm hại tăng lên. Rõ ràng, có luật để bả o vệ trẻ em, nhưng ở xã hội ta hiện hay, trẻ em không được coi trọng. Từ vụ việc ở Lào Cai, các trường “sẽ rút kinh nghiệm”, nhưng điều đó có ích gì, khi nó đã xảy ra, sang chấn tâm lý sẽ ám ảnh suốt đời các bé, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Chừng nào chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm, chưa thấy được sự ảm đạm của những phận đời như thế, sẽ ảnh hưởng đến tương lai các cháu, rộng hơn, tạo ra hiệu ứng không tốt trong xã hội khi các cháu lớn lên trong sợ hãi, thì lúc đó, nhiều đứa trẻ vẫn tiếp tục nuốt những viên kẹo đắng của kẻ bất nhân.

Nghi Anh

(Theo Báo Phụ Nữ )

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *