Về xu hướng tách bạch trường nam, trường nữ với học sinh phổ thông, PGS -TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Tâm lý học xã hội Việt Nam) có những chia sẻ thấu đáo như sau:
Về quan điểm cho rằng “các em trai từ 11-16 tuổi bị bỏ rơi trong cuộc đua với bạn nữ. Trong khi các bạn nữ quá tỏa sáng, năng động trong lớp thì các em trai có năng lực trung bình sẽ có cảm giác mình quá lu mờ”, đó là vấn đề có thực nhưng chỉ là biểu hiện chứ không phải bản chất. Với những yêu cầu về học tập (môn học, kiểu đánh giá) cùng với sự phát triển tâm lý theo lứa tuổi thì ở các lớp cuối tiểu học và THCS, học sinh nữ có biểu hiện học khá hơn nam. Nhưng nam sinh vẫn có sự nổi trội nếu cố gắng.
Chúng ta cần thừa nhận rằng trẻ em cần sống thật, học thật, thể hiện thật, vì thế thay vì quá quan trọng việc học sinh có thứ hạng gì, nổi trội về giới tính ra sao thì hãy xem trẻ cố gắng thế nào. Nhiều nước vẫn đang cố gắng dạy học cá thể hóa để phát triển tối đa năng lực của trẻ. Việc sử dụng giới tính như biện pháp giáo dục hữu hiệu chưa hẳn là phương án hợp lý.
Con gái khiến con trai nỗ lực hơn, và con trai làm cho con gái…duyên dáng hơn
Về quan điểm tách biệt nam, nữ học riêng ở trường phổ thông, tôi cho rằng trẻ nam và nữ có ảnh hưởng lẫn nhau. Đầu tiên, xin khẳng định năng lực học tập không phải là năng lực vào đời. Nữ sinh có thể vượt hơn nam sinh ở một số môn học, một số hoạt động liên quan đến ngôn ngữ, trí nhớ… Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào vấn đề là hơn hay thua cũng chỉ tương đối và các em cần “sống chung” trong một môi trường bình thường, gần giống như xã hội thu nhỏ để thích ứng và thích nghi. Cũng cần nhìn hai mặt của một vấn đề, vì chính trẻ gái làm trẻ trai nỗ lực hơn, hoặc chính trẻ trai làm trẻ gái duyên dáng hơn… Nếu chỉ xét về năng lực học tập thì dễ chủ quan khi khẳng định việc chia tách trường dành cho từng giới cần được ưu tiên.
Trước năm 1975, có một số trường ở miền Nam chỉ dành cho nữ sinh, hoặc nam sinh. Điều này không mới lạ. Nhưng quan điểm cá nhân tôi là, thay vì chúng ta tìm môi trường đặc thù để nâng cao hiệu quả thì hãy tập trung vào nội dung và cách thức giáo dục sẽ hiệu quả hơn. Hãy giáo dục cho mọi người về sự công bằng, hòa nhập. Đừng quên ở những vùng xa, vùng sâu, mở một lớp học đã là một sự cố gắng. Đừng quên rằng việc giáo dục trẻ sống thật, có kỹ năng, biết bảo vệ mình, biết phát huy mình ở những môi trường khác nhau dù có nhiều thách thức là điều cần thiết. Đừng làm cho việc đi học của trẻ khác quá với cuộc sống thường nhật khi một xã hội như một vương quốc nữ giới hay thế giới không có phụ nữ. Cái nhìn nhân văn cần được cân nhắc trong vấn đề này.
PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN
(Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)