PGS.TS Huỳnh Văn Sơn bày tỏ quan điểm là không đồng tình với cách đánh giá người đẹp “sống thử” hay xăm hình là mất phẩm giá, hư hỏng!
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn làm giám khảo một cuộc thi nhan sắc
Là người từng làm giám khảo các cuộc thi sắc đẹp, người trực tiếp huấn luyện các người đẹp đi thi trong nước và quốc tế, trước chuyện Hồng Quế bị Ban tổ chức Hoa hậu Đại dương loại khỏi danh sách thi vì những hình xăm, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn có ý kiến rằng:
“Ban tổ chức hay ban giám khảo nào cũng có sức mạnh nhưng quyền hành hay quyền hạn thì cần được nhìn nhận trên góc độ pháp lý và quản lý. Là người có nghiên cứu về quản lý, quản trị tôi cho rằng chúng ta đừng quên rằng đừng lấy quan điểm của cá nhân chúng ta hay một nhóm chúng ta để áp lên tất cả cộng đồng.
Nếu lấy chi tiết hình xăm để loại thì phải chăng chúng ta đang lợi dụng sức mạnh của mình và biến nó thành quyền? Cái quyền ở đây là áp cộng đồng cho rằng hình xăm là xấu, người con gái có hình xăm (thậm chí là nam thi Next Top Model cũng thế) là người xấu – bởi vì chúng ta tuyển người đẹp – hoa hậu – người mẫu. Và điều đó đồng nghĩa với chuyện bạn trẻ nào muốn là người đẹp, là người nổi tiếng, người của công chúng là không được xăm mình?
Chúng ta cần nhìn nhận công tâm và đừng xoáy xâu vào những chi tiết nhỏ nhặt và biến nó thành luật hay quy chế hoặc thậm chí là định kiến xã hội khó có thể xóa nhòa và trở thành sự kỳ thị!”
PV: Nhưng sự thật là người đẹp xăm hình dễ bị đánh đồng là hư hỏng, là mất tư cách đạo đức, không phù hợp văn hóa Á Đông. Anh nghĩ gì về điều này?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề theo một hệ thống. Nếu đồng hóa xăm mình với chuyện mất tư cách, thiếu duyên dáng, không nữ tính thì có thể nói đó là suy nghĩ có phần chủ quan. Quay lại quá khứ nó giống như chuyện phụ nữ tỏ tình, phụ nữ chủ động trong cuộc sống, phụ nữ quá hướng về công việc hay phụ nữ không còn trinh tiết trước khi cưới hay phụ nữ chửa không chồng, hay có con mà không rõ… Vậy chẳng lẽ điều đó là phù hợp?
Hồng Quế mất cơ hội thi hoa hậu vì hình xăm
Văn hóa Á Đông rất đẹp, mang giá trị truyền thống cao vợi. Nhưng không phải mọi thứ đều nhất định phải quy gán văn hóa truyền thống. Mỗi con người của thời đại mới cần thở bằng hơi thở mới chứ không thể cứ mãi thở bằng mùi xưa, màu cũ… Nếu muốn cái tôi của người trẻ bộc lộ và khẳng định nhưng cứ dựa vào nét này hay điểm nọ để đánh giá thì cần nhìn nhận, xem xét một cách công bằng hơn… Và xin dùng quan điểm nhân văn để chúng ta đừng vội phán xét với bất kỳ hành vi nào trong một xã hội mở và hướng đến toàn cầu.
Tôi xin khẳng định, chúng ta có thể loại hay “cấm cửa” thí sinh vì mất tư cách, vì không có hình ảnh phù hợp, vì thiếu những điều kiện mang tính định lượng cụ thể… Nhưng nếu cứ có xăm thì loại thì có phần khắc khe với cuộc đời nhau.
PV: Vậy theo anh nên nhìn nhận vấn đề người đẹp xăm hình như thế nào thì hợp lý nhất?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng chúng ta cần tôn trọng cái cá nhân. Chúng ta không bỏ qua hết tất cả cá tính của người đẹp hiện đại. Nhưng cần cân nhắc để lựa chọn một người đẹp hài hòa, duyên dáng và đặc biệt vừa truyền thống và vừa hiện đại. Dung hòa giữa hai yếu tố này là một thách thức rất lớn.
Tôi nghĩ cần trả hình xăm về đúng với vị trí của nó. Đó là chút nổi loạn của cá tính, đó là hành vi nhất thời hoặc cân nhắc chưa chú ý “đường dài” hoa hậu… Không nên đồng hóa hình xăm với đạo đức. Không nên làm căng mọi thứ theo kiểu sức mạnh như đã nói. Càng phải nhìn nhận thí sinh toàn diện nhưng không phải không chút tì vết. Cần nhìn con người trong một chỉnh thể bằng cái nhìn vận động.
Nếu vì để được đi thi, để được làm hoa hậu mà xóa hình xăm nhằm được đi tiếp, được chiến thắng thì có chăng đó là sự sống giả, làm giả con người thật, “ca nhạc theo yêu cầu” của người khác mà cụ thể là ban tổ chức về tính cách. Và phải chăng đó là sự “lừa chính mình”, sống theo kiểu người khác quay định… Sau khi thi xong, sau khi đăng quang thì xăm lại như cũ thì sao?!
Với tôi thể chế hóa các quy định nhưng đừng biến mọi thứ đều có thể trở thành quy định mang tính “nội quy”, “quy định”, “nguyên tắc”, “luật”… Khi chúng ta chưa rõ đường dài, có kế hoạch hậu hoa hậu hay có những chiến lược hệ thống thì đừng buộc mỗi con người là một viên bi hoàn hảo.
PV: Về quy định “sống thử”, Hoa hậu Việt Nam 2014 ra thể lệ mới là thí sinh phải là người chưa “sống với ai như vợ chồng”. Anh nghĩ sao về quy định này?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Xét trên bình diện quản lý, khi bảo vệ cho nhà quản lý, người ta có thể đề ra quy định hay quy định thêm điều này, điều khác. Đó là lý do vì sao người ta nói sự tự vệ của con người càng lớn khi họ muốn an toàn. Thôi thì tấn công trước cho mình an toàn. Nếu tôi là nhà quản lý có thể tôi cũng sẽ tự vệ nhưng có thể tôi sẽ làm cách khác.
Thí sinh nào “sống thử” sẽ bị loại khỏi cuộc thi HHVN2014 (Ảnh: HHVN 2012)
Tuy nhiên, tôi cũng xin bày tỏ một cảm xúc rất thật: làm khổ chính mình. Hậu trường thi hoa hậu lắm tin đồn. Chẳng lẽ các thí sinh tố lẫn nhau, mẫu hậu tố thí sinh, các tin tức vỉa hè thì đi thẩm tra hết? Mà sống với ai như vợ chồng là phân tích trên bình diện nào? Sống chung hay sống thử? Sống chung như vợ chồng nhưng chưa làm chuyện vợ chồng trên bình diện logic học khác nhau. Vậy nếu sống với người nữ cùng giới có làm chuyện vợ chồng thì sao? Hoặc không sống nhưng có làm chuyện vợ chồng thì có nghĩa là thoát tội?!
Tôi nghĩ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là một cuộc thi rất uy tín. Nhiều trường hợp chuẩn bị vào đêm chung kết đã được thẩm tra, điều tra kỹ lưỡng. Từng có vài học trò của tôi đã có cơ hội như thế… Tôi nghĩ áp lực truyền thông và sự tự vệ để an toàn gây áp lực cho ban tổ chức là vấn đề cảm thông và chia sẻ!
PV: Rõ ràng, chuyện hai bạn trẻ độc thân yêu nhau, “sống thử” là không vi phạm pháp luật. Vậy việc người con gái “sống thử” bị cho là mất phẩm giá, không xứng đáng thi, làm hoa hậu thì đúng hay sai, thưa anh?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ tôi tôn trọng sự thật. Tôi là người thẳng thắn: tôi trân trọng văn hóa Việt. Tôi cũng tự hào mình là người Việt. Tôi cần lắm các bạn trẻ là chính mình, biết nuôi dưỡng tình yêu, biết giữ mãi sự hấp dẫn. Nhưng tôi không đồng ý với vấn đề sống thử là mất phẩm giá. Có thể đó sẽ là điều tréo ngoe, có thể là đáng trăn trở khi một người đẹp trở thành biểu trưng của cả phái đẹp ở một cuộc thi. Nhưng nếu cứ mãi thế thì sao có hoa hậu dám nói lên sự thật mình từng bị cưỡng hiếp, mình là nạn nhân của bạo hành, mình là đứa con không thừa nhận, mình là người từng bị lừa tình và bước lên sự thật. Một nỗi đau cứ để day dẳng thì sao có thể nguôi ngoai hay vượt qua…
Cần nhìn hai mặt của vấn đề để chúng ta có thể tỉnh táo và nhân ái!
PV: Xin cảm ơn PGS!
Theo Lê Trúc – Petro Times