Sự khác nhau giữa tình yêu đích thực và “tình yêu thông thường”

su-khac-nhau-giua-tinh-yeu-dich-thuc-va-tinh-yeu-thong-thuong

Tình ái là những cảm giác của sự khao khát, ham muốn chứ không phải tình yêu.

TÌNH YÊU THÔNG THƯỜNG” (COMMON LOVE)

CẢM GIÁC TÌNH ÁI

Tình ái là những cảm giác của sự khao khát, ham muốn chứ không phải tình yêu. “Tôi muốn biết nhiều hơn về đời tư của anh ấy. Tôi muốn biết anh ấy thích gì. Tôi muốn tin rằng anh ấy bị thu hút bởi tôi. Đó chính là sự khát khao. Nó là khát khao vì nó dựa vào những gì “Tôi muốn” chứ không dựa vào những gì bạn hoặc người khác cần.

Hãy nghĩ về toàn bộ mục đích của cuộc sống gia đình và tự hỏi trẻ sơ sinh cần gì. Một trẻ sơ sinh bước vào thế giới này hoàn toàn không tự lo liệu được cho bản thân, bé cần sự bảo vệ và chỉ dẫn để trưởng thành và phát triển những năng lực của bé, để khi trưởng thành bé có thể bước vào đời và làm những điều tốt đẹp cho người khác. Sự bảo vệ và chỉ dẫn đó là một khía cạnh của tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực không có nghĩa là phải làm bạn cảm thấy “hạnh phúc”.

Tình ái dựa vào những nhu cầu sơ sinh là muốn được nhận, được chấp nhận và được thoả mãn. Khi một ai đó cảm thấy được nhận, được chấp nhận và được thoả mãn một cách mãnh liệt thì khi đó anh/cô ấy “đang yêu”. Nhưng sớm hay muộn, sự mãnh liệt đó sẽ bị phá huỷ. Nguyên nhân có thể là do người yêu của họ phải thực hiện những bổn phận khác trong cuộc sống, và khiến người đó cảm thấy bị phớt lờ, cơn ghen tuông dữ dội có thể bùng lên.

Bất kì đứa trẻ nào nhận được món quà từ những người khác phải đầu tiên trải qua một giai đoạn phát triển được đặc trưng bởi thái độ “sở hữu, tích trữ, bám chặt”- của tôi, của tôi – trước khi học cách chia sẻ với người khác. Khi cảm thấy được chấp nhận bởi người khác, đầu tiên bạn muốn tích trữ cảm giác đó và cho rằng nó là vật sở hữu của bạn. Cái phần trẻ con của bạn khát khao tình yêu, chứ không khát khao người trao đi tình yêu. Điều này cũng giải thích cốt lõi của sự ghen tuông: vì sợ mất thứ bạn vô cùng khao khát nên bạn ghét bất kì ai có thể xuất hiện giữa bạn và thứ bạn muốn.

TÌNH YÊU” HỐI LỘ: CHO ĐI ĐỂ TRÁNH BỊ BỎ RƠI, ĐỂ CÓ ĐƯỢC SỰ CHẤP NHẬN

Phần lớn những người nói về “tình yêu” không cho đi một cách vô vụ lợi. Thay vào đó, chúng ta có một khao khát bị che giấu là tránh bị người khác bỏ rơi.

Đa số đàn ông tặng hoa cho phụ nữ, hoặc đang nói “Anh khao khát sử dụng cơ thể của em để mang lại khoái cảm cho anh” hoặc họ đang cố gắng thoả mãn nhu cầu được ghi nhận của phụ nữ – và tránh làm cô ấy tức giận và từ chối họ nếu sự ghi nhận bị quên vào ngày sinh nhật hoặc ngày lễ.

Tương tự, nhiều bố mẹ cho con quá nhiều tiền hoặc quà thì trong vô thức họ đang cố gắng mua tình yêu của đứa con. Không có khả năng hiểu và chấp nhận những trải nghiệm cảm xúc sâu sắc của trẻ, bố mẹ sẽ đem đến một đồ vật có thể kiếm được dễ dàng để làm trẻ cảm thấy hạnh phúc. Và đứa trẻ sẽ chấp nhận món quà với giả định rằng “đây nhất định là tình yêu.”

Sự hào phóng của “tình yêu thông thường” trên thực tế là một hành động hối lộ.

TÌNH YÊU” QUYỀN LỰC

Chúng ta thường tin rằng khao khát khơi dậy ham muốn ở người khác là một dấu hiệu của tình yêu. Tuy nhiên, sự thật tâm lý sâu xa là khao khát đó đang che đậy khao khát: kiểm soát một ai đó vì bạn từng bị kiểm soát bởi người khác. Vì bạn khi còn bé cảm thấy bất lực và tức giận vì bạn bị kiểm soát về cảm xúc và thân thể bởi bố mẹ, khi trưởng thành bạn sẽ vô thức bù đắp cho sự bất lực này bằng cách tìm cách kiểm soát người khác. Bạn sẽ làm điều này vì chúng ta đều làm nó. Chúng ta có thể làm điều đó với sự giàu có, với học vấn của chúng ta, địa vị xã hội, sức mạnh cơ thể và với sự ham muốn. Vd những người đàn ông khơi gợi ham muốn ở phụ nữ bằng sự giàu có hoặc cơ thể cường tráng, và những cô gái ăn mặc khêu gợi để kích thích ham muốn ở đàn ông

Sự thích thú khi khơi gợi ham muốn ở một người khác thực chất là một hành động lợi dụng người đó để thoả mãn chính bản thân mình. Họ có khao khát biến bản thân họ trở thành đối tượng cho sự thoả mãn của chính họ thông qua việc được người khác ham muốn họ.

NGƯỜI YÊU BẠO HÀNH

Một người chịu đựng một người yêu bạo hành vì “Tôi yêu anh ấy”. Thứ mà cô ấy đang kìm nén, che giấu là một khao khát. Nó là khao khát nhận được những gì mà cô đang cố gắng cho đi. Nó là khao khát được anh ấy khao khát cô. Và nó là một khao khát dữ dội, cô sẽ chịu đựng bất kì điều gì từ một người yêu thất bại để duy trì ảo tưởng rằng một ai đó muốn cô.

Sự nguy hiểm của việc định nghĩa bản thân bạn dựa theo việc liệu người khác có KHAO KHÁT bạn hay không. Thay vì muốn anh ấy khao khát bạn, điều quan trọng hơn là hiểu được sự phù phiếm của khao khát này. Bạn sẽ được giải thoát khỏi ảo tưởng rằng người khác CẦN BẠN để cứu anh ta.

YÊU – GHÉT BẬP BÊNH

Nhà tâm lý học Melanie Klein nhận ra mặt xấu xí của sự phát triển của trẻ sơ sinh: cơn giận to lớn và những thôi thúc thù địch đối với mẹ khi đứa bé không được thoả mãn nhu cầu của nó. Đứa bé liên tục bập bênh giữa yêu và ghét: yêu khi những nhu cầu của nó được đáp ứng, và ghét khi những nhu cầu của nó bị phớt lờ, làm nó thất vọng.

Melanie-Klein-primary

Melanie Klein

Điều này lý giải sự lệch lạc trong tình yêu của loài người: yêu-ghét bập bênh. Tình yêu thông thường dựa trên những nhu cầu trẻ thơ là muốn được nhận, được chấp nhận và được làm cho thoả mãn. Còn tình yêu đích thực dựa trên sự cho đi, không phải nhận, thì thuần khiết và vĩnh cửu, không bao giờ là phù du thoáng qua, và không bao giờ chuyển thành căm ghét. Còn trong tình yêu thông thường, khi người đó không làm bạn thoả mãn thì tình yêu của bạn sẽ chuyển thành sự căm ghét.

BẠN MUỐN CHỮA LÀNH TỔN THƯƠNG CẢM XÚC CỦA BẠN THÔNG QUA “TÌNH YÊU THÔNG THƯỜNG”

Chừng nào bạn còn bận tâm về những gì bạn có thể lấy được từ cuộc sống thì bạn sẽ luôn luôn bất mãn. Mọi thứ vật chất – thức ăn, giải trí, ma tuý, khoái lạc – trôi qua nhanh chóng, làm chúng ta thèm muốn nhiều hơn. Hãy nhìn nhận điều này một cách sâu sắc hơn. Tất cả điều này có ý nghĩa gì, về mặt tâm lý? Lấy được những thứ bạn muốn làm bản thân bạn được mọi người xem là có quyền lực, cảm thấy được người khác khao khát, cảm thấy được người khác bảo vệ? Tất cả điều này không phải là một sự bù đắp cho cảm giác thua kém, yếu đuối và dễ tổn thương hay sao?

“Tình yêu thông thường” là một cách ngay tức thì để lấy được một điều gì đó để vượt qua tổn thương cảm xúc thời thơ ấu. Bạn không “yêu” người đó, mà bạn chỉ đang ám ảnh với ý nghĩ rằng người đó có thể trao cho bạn những thứ bị thiếu trong cuộc sống của bạn vì những gì mà cha mẹ bạn không thể mang đến cho bạn trong thời thơ ấu của bạn. Tôi từng nhìn thấy những người đàn ông cố gắng quyến rũ một phụ nữ để có được sự chăm sóc và chú ý từ cô mà họ chưa bao giờ nhận được từ mẹ của họ và những người phụ nữ cố gắng quyến rũ một người đàn ông để có được sự bảo vệ và chú ý từ anh ta mà họ chưa bao giờ nhận được từ cha họ. Và cuối cùng nó là điều bất khả thi. Bạn không bao giờ có thể quyến rũ được sự tuyệt vọng của bạn, và bạn không bao giờ có thể tìm được tình yêu đích thực thông qua bất kì hình thức tình dục nào.

Chúng ta thường tìm kiếm những mối quan hệ “yêu đương” như một cách để che giấu những tổn thương sâu sắc nhất của chúng ta là sự bất an và không đủ đầy. Và nền văn hoá của chúng ta – thông qua quảng cáo và giải trí – ủng hộ ảo tưởng này với việc tẩy não liên tục trong niềm tin rằng nếu bạn có thể tìm thấy “người yêu” đúng thì sau đó bạn sẽ hạnh phúc mãi mãi.

NỀN VĂN HOÁ XIỂN DƯƠNG “TÌNH YÊU THÔNG THƯỜNG”

Đối với phần lớn mọi người ngày nay, “tình yêu” nghĩa là sự thoả mãn. Nó nghĩa là hạnh phúc, là nuông chiều bản thân.

Trong một nền văn hoá đại chúng “yêu bản thân” thì bất kì điều gì phục vụ “bản thân” đều được chấp nhận. TỘI LỖI – sự bận tâm về bản thân với những khao khát ngay tức thì làm con người ít quan tâm đến bất kì ai hay bất kì thứ gì khác trong môi trường. Tình yêu đích thực bị “tình yêu thông thường” làm ô uế.

Sự quyến rũ của thú vui tình ái nằm ở sự thoả mãn ngay lập tức, hữu hình. Đối với đàn ông, nó có thể là sự sung sướng của việc đụng chạm và có được thứ bạn muốn, dù nó là cơ thể của người khác hoặc cơ thể của bạn. Đối với phụ nữ, nó có thể là khoái cảm tình dục hoặc sự thoả mãn của cảm giác được đàn ông khao khát họ và bảo vệ. “Tình yêu thông thường” này là cách tức thì để nhận được thứ gì đó bạn muốn.

Bạn không thể chữa lành tổn thương, gãy vỡ cảm xúc của bạn thông qua cơ thể của người khác cũng mong manh dễ vỡ như bạn. Chừng nào bạn còn theo đuổi tình yêu lãng mạn do nhu cầu được yêu – một hình thức của một thứ gì đó bạn muốn, chừng nào bạn còn cố gắng lấp đầy sự trống rỗng tâm lý, tâm linh bên trong bạn bằng người khác – thông qua “tình yêu thông thường” – bạn sẽ vẫn còn trống rỗng và gãy vỡ. “Tình yêu thông thường” là một trò chơi (trò chơi hối lộ, quyền lực, quyến rũ) và nó là trò chơi thất bại khi cố gắng làm người khác yêu bạn. Nó là một trò chơi thất bại khi muốn làm người khác nói rằng bạn đặc biệt. Ngược lại, tình yêu đích thực không phải là một trò chơi.

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC (REAL LOVE)

Tình yêu đích thực thì khó khăn hơn nhiều so với “tình yêu thông thường” vì tình yêu đích thực là cho, không phải là nhận. Nó phải được cho mà không mong đợi hoặc hy vọng nhận lại bất kì điều gì.

Quan điểm phổ biến về tình yêu bao gồm một yếu tố của sự NHẬN ĐƯỢC một thứ gì đó. “Tôi yêu socola” có nghĩa là “Tôi thích nhận được trải nghiệm hương vị của socola.” Tương tự thế, “Tôi yêu em” thường ám chỉ là “Tôi thích chạm vào cơ thể em” hoặc “Tôi thích tin rằng anh sẽ đem lại cho tôi sự an toàn.”

Sự khác biệt giữa hai kiểu tình yêu đó – “tình yêu thông thường” và tình yêu đích thực – là sự khác nhau giữa CHO VÀ NHẬN. Cho không chỉ đơn thuần là chia sẻ những đồ vật vật chất hoặc sự giàu có để hối lộ người khác để họ yêu thích chúng ta, mà là cho đi những phẩm chất như kiên nhẫn, tử tế, từ bi, thấu hiểu, chịu đựng và tha thứ; những phẩm chất có mục đích cao nhất là mang lại điều tốt đẹp cho tâm hồn người khác. Vì vậy nên trong con mắt của thế giới, tình yêu đích thực thật buồn chán và ngu ngốc. Tình yêu đích thực không có kịch tính, khao khát dữ dội, ám ảnh, ghen tuông và cạnh tranh như “tình yêu thông thường”. Tình yêu đích thực là một hành động của ý chí, nó không phải là thứ mà bạn “rơi vào”. Bạn có thể rơi vào ham muốn dữ dội, nhưng bạn không thể rơi vào tình yêu. Tình yêu không phải là một cảm xúc. Để trao đi tình yêu đích thực – mong muốn điều tốt cho một ai đó – là chống lại nền văn hoá xiển dương tình yêu thông thường, với sự khiêm cung, cho đi sự thấu hiểu và từ bi, một thứ tốt hơn những gì người khác “thấy” trong sự mù quáng của họ.

Tình yêu đích thực nghĩa là tiếp tục cho đi, ngay cả nếu bạn không được nhận lại thứ gì cả ngoài sự từ chối và căm ghét. Tình yêu đích thực là chuẩn bị cho việc bị mọi người xem thường, chế nhạo, bị hiểu lầm, bị nghi ngờ, không được chú ý, bị nói xấu…như là cái giá cho sự nhìn ra sự thật trong một thế giới bị tội lỗi mê hoặc.

Tình yêu đích thực từ bỏ, khước từ thứ tình yêu thông thường mà nền văn hoá của chúng ta xiển dương.

Khi bạn yêu, bạn không có gì để mất, vì bạn đã từ bỏ lòng tự tôn (pride) của bạn. Lòng tự tôn là một khao khát muốn nổi bật hơn những người khác để bạn có thể nghĩ về bản thân như người “đặc biệt”. Tình yêu đích thực biết rằng chúng ta LÀ MỘT. Tình yêu không có nghĩa vụ chứng minh cho bạn rằng bạn là người đặc biệt và nó sẽ nỗ lực hết sức để giải thoát bạn khỏi ảo tưởng bạn đặc biệt hơn bất kì ai. Phẩm chất vô ngã này của tình yêu có thể là thách thức lớn nhất cho cái tôi của chúng ta để chấp nhận.

Huyễn tưởng là người đặc biệt của bạn chỉ đang che giấu nỗi đau cảm xúc của bạn. Hãy xem bạn và mọi người được thụ thai như thế nào. Thông qua đam mê của bố mẹ, trứng và tinh trùng gặp nhau. Đối với bố mẹ bạn, bạn không phải là “bạn” lúc thụ thai. Bạn không phải là một người “đặc biệt”. Bất kể bạn là ai, bất kể điều gì mà bạn nghĩ bạn là, bạn muốn được nhìn nhận như thế nào trong thế giới này – không có điều gì là quan trọng đối với bố mẹ bạn. Tát cả những gì họ biết lúc đó là sự đam mê của ham muốn của họ.

MỘT VÍ DỤ TỪ NGƯỜI PHI CÔNG

Đây là một chuyện hư cấu từ người phi công, minh hoạ về sự khác biệt trong đời thực giữa Tình yêu thông thường và Tình yêu đích thực. Nó cho thấy sức ép bạn bè không thể can ngăn tình yêu đích thực khỏi mối quan tâm của nó đối với điều tốt đẹp cho người khác, và làm thế nào tình yêu đích thực vẫn tồn tại ngay cả khi đối mặt với sự căm ghét. Và thật đáng buồn khi quá nhiều người sống trong bi kịch vì “tình yêu thông thường” là lí do duy nhất để họ sống – và chết.

Tình yêu thông thường”

Một phụ nữ lo lắng với những kế hoạch cho đám cưới của bạn cô vào ngày mai, đến sân bay trễ ba giờ; cô nói với chồng cô là một phi công “Ý anh là gì, chúng ta đã trễ và trời đang tối? Chúng ta phải đến đó tối nay, anh yêu. Nếu anh yêu em thì anh sẽ lái máy bay ngay bây giờ.

Tình yêu đích thực

Chồng cô đáp “Nhìn xem, chúng ta sẽ bay trong mưa đêm và có thể có mây. Nó không an toàn. Vì anh yêu em nên anh sẽ không mạo hiểm tính mạng của chúng ta vì điều này.”

Yêu-Ghét

Nhưng chúng ta phải đến đó tối nay. Em phải làm tóc xong trước sáng mai đám cưới và chỉ có duy nhất tiệm làm tóc ở đó. Nếu kế hoạch này hỏng thì sẽ là một thảm hoạ. Anh là đồ nhút nhát. Vậy mà anh xem mình là phi công à.

Khẳng định Tình yêu đích thực

Anh hiểu điều này quan trọng với em ra sao, nhưng thật liều mạng một cách dại dột chỉ vì một thứ phù phiếm là kiểu tóc.

Căm ghét-Trả đũa

Phù phiếm ư? Nghe đây, nếu chúng ta không bay ngay bây giờ thì anh sẽ không được nằm chung giường với tôi tối nay.

Tái khẳng định Tình yêu đích thực

Ok. Nhưng anh không bay tối nay. Anh sẽ không mạo hiểm tính mạng của chúng ta. Đó là lời cuối.

Kết:

Bạn cần hiểu được sự khác biệt sâu sắc giữa khát khao và tình yêu và làm việc với những ảo tưởng vô thức đằng sau khát khao mãnh liệt của bạn đối với một người, thì bạn có thể trao đi tình yêu đích thực cho tất cả mọi người. Trao đi tình yêu đích thực hơn là tuyệt vọng tìm cách được người khác yêu.

Khi bạn kiên nhẫn chịu đựng nỗi đau vì điều tốt đẹp cho người khác thì đó là Tình yêu đích thực (xem vd anh phi công). Khi bạn tự gây đau khổ cho bản thân với hy vọng người khác nhìn thấy nỗi đau của bạn và ngưỡng mộ, yêu bạn thì đó là Khổ dâm.

Bạn không thể buộc bản thân yêu, nhưng bạn có thể làm bất kì điều gì cần thiết để loại bỏ những chướng ngại vật đi đến tình yêu đích thực.

Người có nhiều ham muốn nhất thì cũng muốn lừa dối nhất. Người chẳng ham muốn gì và cho đi mọi thứ một cách trung thực, có thể yêu một cách hoàn hảo. Và tình yêu hoàn hảo này không phải là ảo tưởng.

Về tác giả:

images

Raymond Lloyd Richmond, có bằng tiến sỹ về tâm lý lâm sàng và được cấp phép (psy 13274) hành nghề trị liệu ở bang California. Trước khi có bằng tiến sỹ, ông đã học lấy bằng M.A về nghiên cứu tôn giáo và một bằng M.S.E về tham vấn, và một bằng M.S về tâm lý lâm sàng. Ông đã hoàn thành chương trình Sau tiến sỹ về Tâm lý học Sức khoẻ.

Trong quá trình học của ông, ông được dạy về phân tâm học trường phái Lacanian, trị liệu tâm động học, thôi miên và trị liệu nhận thức-hành vi. Kinh nghiệm lâm sàng của ông bao gồm can thiệp khủng hoảng; điều trị về lạm dụng tình dục, thân thể và cảm xúc thời thơ ấu; tổn thương tâm lý và rối loạn stress sau sang chấn PTSD; và điều trị các chứng rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng và loạn thần

Tiến sỹ Richmond đã viết và duy trì một website vì cộng đồng (GuideToPsychology.com) về việc thực hành tâm lý lâm sàng; website này không có quảng cáo.

Rubi dịch và viết lại từ trang Guidetopsychology

Theo Tâm lý học tội phạm

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *