Tại sao ta vẫn cứ chơi xổ số?

Thứ khiến người ta mua vé số không phải là tỷ lệ chiến thắng, mà là suy nghĩ họ có thể sẽ phải ngồi ngoài cuộc tiếc nuối một cơ hội đã vụt mất.

Mù mờ trước tỷ lệ toán học, ta rơi vào “bẫy” của những vị thần tiếp thị.

Để hiểu được việc Gloria C. MacKenzie, góa phụ 84 tuổi sống ở Florida, trúng độc đắc 590 triệu đô la xổ số Powerball vào tháng 5 là hi hữu như thế nào, Robert Williams, giáo sư khoa học sức khỏe tại Đại học Lethbridge ở Alberta, đưa ra một tình huống như sau: hãy đến cửa hàng tiện lợi gần nhà, đập tờ 2 đô la xuống quầy, vừa điền sáu con số vào tờ vé số Powerball. Bạn sẽ mất khoảng 10 giây. Nếu muốn tỉ lệ thắng bằng với tỉ lệ tung đồng xu, hay nói cách khác là 50%, bạn phải dành ra 12 tiếng một ngày, mỗi ngày, điền vé số trong vòng 55 năm tới. Sẽ rất đắt đỏ đấy. Bạn sẽ phải nhả tờ 2 đô la ít nhất 86 triệu lần.

Williams, người nghiên cứu về xổ số, có thể chỉ cần nói tỷ lệ trúng độc đắc 590 triệu đô la là 1 trên 175 triệu. Nhưng nói như vậy nó không có thấm. “Người ta không thể mường tượng được 1 trên 175 triệu,” Williams nói. “Điều đó vượt ngoài những trải nghiệm của chúng ta – lịch sử tiến hóa của chúng ta không có gì, không có kiến trúc trí tuệ gì, để chuẩn bị và trang bị cho chúng ta thử và hiểu được sự bao la của những tỷ lệ đó.” Và vì thế ta lại tiếp tục chơi. Và chơi. Người dân ở 43 bang mua tổng cộng 232 triệu vé số Powerball mới có được tờ vé trúng độc đắc của MacKenzie. Trên thực tế, xổ số ở Mỹ phổ biến đến nỗi nó là một trong rất ít mặt hàng tiêu dùng được tiêu thụ ổn định và còn tăng ở một số bang trong cuộc suy thoái kinh tế gần đây. Cho đến giờ điều đó vẫn đúng. Khoảng 57% người Mỹ nói rằng mình đã mua vé số trong vòng 12 tháng đổ lại, dựa trên một nghiên cứu gần đây của Gallup. Và trong năm tài chính 2012, doanh thu xổ số Mỹ vào khoảng 78 triệu đô la, theo Hiệp hội Xổ số Bang và Tỉnh Bắc Mỹ.

Có vẻ dễ hiểu vì sao ta vẫn tiếp tục chơi. Như slogan thương hiệu của xổ số nói, “Hey, you never know” (Này, ai mà biết được). Phải có một người thắng. Nhưng để thực sự hiểu tại sao hàng trăm triệu người chơi một trò chơi mà họ sẽ không bao giờ thắng, một trò chơi với hệ quả xã hội nghiêm trọng, bạn phải gạt bỏ logic và nhìn nhận nó theo một bộ luật khác – bộ luật viết bởi các nhà thần kinh học, các nhà tâm lý học xã hội, và các nhà kinh tế học. Khi tỷ lệ là quá nhỏ đến nỗi khó mà hình dung được, rủi ro mà ta nhận thức được không phải do kết quả nữa mà là do ta cảm thấy sợ hay hi vọng nhiều đến mức nào khi đưa ra quyết định, do cách ta “đóng khung” và bố trí các hệ logic, và cả cách ta nhận thức bản thân so với người khác. Một khi bạn biết được bộ luật thay thế đó, xem lại các bài viết, và nói chuyện với các chuyên gia, mức độ phổ biến của xổ số bỗng nhiên trở nên hợp lý hơn rất nhiều. Đó là một trò chơi không dùng đến lý trí và logic, mà hy vọng và ước mơ là thứ được đem bán. Và không ai biết cách bán hy vọng và ướng mơ giỏi hơn Rebecca Paul Hargrove.

Vào hầu hết các ngày tại một khu văn phòng không có gì đặc sắc ở vùng ngoại ô Nashville. Tennessee, bạn sẽ bắt gặp Hargrove ngồi dựa lưng vào một chiếc ghế lãnh đạo màu tím đằng sau một bàn làm việc khủng. Bà làm việc trong một văn phòng nằm trong góc ở Tập đoàn Xổ số Giáo dục Bang Tennessee, với cương vị chủ tịch.

Hargrove là một huyền thoại xổ số. Trong những năm 1980 và 1990, bà xây dựng hệ thống xổ số của bang Georgia và Florida từ những bước đầu tiên, cất lên một đế chế tỉ đô nhanh chóng vượt mặt rất nhiều loại xổ số khác lâu đời hơn. Sau hai năm dưới sự lãnh đạo của Hargrove, doanh số của Florida cao hơn bất kỳ xổ số khu vực nào trên toàn nước Mỹ, bao gồm California, nơi có dân số gấp đôi đân số của Florida. Khi Hargrove rời Georgia để đến Tennessee vào năm 2003, phó thống đốc bang Georgia Mark Taylor phát biểu, “Giờ thì tôi đã hiểu cảm giác của các fan Boston Red Sox. Babe Ruth đã được chuyển nhưởng cho Yankees.” Ông nói Hargrove là “lãnh đạo xổ số hàng đầu cả đất nước”.

Vào một buổi sáng tháng sáu nóng nực, tôi được dẫn đến văn phòng trong góc trên lầu hai của Hargrove. Bà chào đón tôi nồng nhiệt, mặc áo thun hồng, quần khaki, và một chiếc áo khoác cài khuy. Với mái tóc trắng như tuyết buộc thành một búi tóc lỏng ở đằng sau, và cặp kính bấp bênh nằm trên sống mũi, Hargrove trông như một bà tiên đỡ đầu trong cổ tích, cùng với tài ăn nói. Chỉ vài phút sau khi tôi đến, bà đã thao thao bất tuyệt những câu chuyện về người thợ làm tóc thích vé số in hình con mèo và một bà lão sống cách nhà mẹ bà một khu đã thắng 56 triệu đô la.

Hargrove hiểu một cách tự nhiên điều gì khiến khách hàng chơi trò chơi này. Bà có một nhận thức phi thường về vị trí các nút tâm lý và làm sao để bấm được các nút ấy. Bà trả lời chớp nhoáng cho bình luận của tôi về việc logic là vô ích trong trò chơi xổ số. “Nếu anh lựa chọn đầu tư logic, anh đã chơi một trò chơi khác rồi,” bà nói, nghiêng người phía trước để nhấn mạnh. “Đây không phải là đầu tư. Mà là giải trí. Với một số tiền rất nhỏ anh có thể thay đổi cuộc đời. Chỉ với 2 đô la anh có thể dành cả ngày mơ tưởng mình sẽ làm gì với nửa tỉ đô la – nửa tỉ đô la đấy!”

Năm 1985, khi thống đốc bang Illinois James Thompson đề bạt Hargrove làm lãnh đạo xổ số của bang, bà không nhiều về lĩnh vực này. Nhưng cựu nữ hoàng sắc đẹp (Hoa hậu Indiana 1972, lọt vào vòng chung kết Hoa hậu Mỹ 1973) biết một chút về việc buôn bán. Sau khi thắng được công việc dẫn chương trình thời tiết cuối tuần tại kênh ABC ở quê nhà Indianapolis, bà chuyển đến Springfield, Illinois, để làm việc cho kênh NBC. Tại Springfield, bà tuyển dụng các nhà quảng cáo TV và sản xuất chương trình quảng cáo của riêng mình, thể hiện tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực tiếp thị. Bà tham gia chính trị và đạt được vị trí Nữ chủ tịch Đảng cộng hòa Bang Illinois, trước khi tiếp nhận hệ thống xổ số Illinois.

Trong công việc mới, Hargrove làm những việc mà bất kỳ nhà tiếp thị nào cũng sẽ làm: Bà ngồi xuống và nghĩ về động lực của chính mình. “Tôi đã chơi xổ số khi tôi bị ham hố với giải độc đắc 40 triệu đô la,” bà nói. “Và tôi nghĩ, ‘Điều gì khiến mình chơi?’ Điều gì khiến tôi chơi chính là suy nghĩ tôi sẽ làm gì với 40 triệu đô la. Bạn trả 1 đô la và trong ba ngày sau đó bạn có thể nghĩ về câu hỏi ấy. Tôi có chia với em rể không? Không! Tôi không thích cậu em rể ấy. Nhưng tôi sẽ chia cho cháu trai của cô hàng xóm.”

Với cái nhìn đơn giản đó, Hargrove tiến hành tiếp thị. Hơn 200 quảng cáo được đưa lên bảng hiệu trên khắp bang. “Làm thể nào để từ nay đây mai đó ở Đại lộ Washington đến con đường giàu sang phú quý”, đó là nội dung quảng cáo tại một khu vực nghèo ở Chicago, với hình ảnh một cọc tiền trúng số đầy khiêu gợi. Hargrove còn đẩy giải độc đắc lên lớn hơn, thu hút nhiều sự chú ý hơn. Năm 1987, bà đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra xổ số đa bang, gồm chính bang và Washington DC, để khiến giải độc đắc được thổi phồng lên 80 triệu đô la. Bà nhận ra rằng sự phấn khích tạo ra bởi con số độc đắc khủng ấy sẽ tạo ra thêm nhiều sự phấn khích mà bản thân một bang không thể làm được. “Giải độc đắc càng lớn, vé bán ra càng nhiều,” bà nói. “Nó là nguồn sống của những giấc mơ.”

Từ những ngày đầu tiên trong ngành xổ số, Hargrove học cách khiến giấc mơ xổ số trở nên hữu hình bằng cách đảm bảo việc trúng số, ở mức độ nhỏ, là điều người ta có thể trải nghiệm. “Nếu anh chơi rất nhiều và chơi suốt ba năm và không bao giờ thắng được, anh sẽ chẳng muốn chơi nữa”, Hargrove nói.

Ở Illinois, Hargrove thử nghiệm với những giải thưởng nhỏ có tỷ lệ trúng cao hơn giải độc đắc. Khi giới thiệu chương trình kết quả xổ số cách tuần, bà nhận thấy doanh số ngay lập tức tăng 5%. Để ngăn chặn việc người chơi đuối sức, Hargrove tiên phong những trò chơi với các mức giá, thiết kế, và chủ đề khác nhau. Bà để ra những tấm vé số cào hình mèo dễ thương dành cho người yêu mèo, và vé hình bóng bầu dục cho fan của đội Chicago Bears. Bà có thể còn bán hình cỏ bốn lá vài ngày St. Patrick, và vé số hình tuần lộc vào Giáng Sinh. Tỷ lệ thắng vẫn rất nhỏ, những giữ trò chơi “tươi mới” và “thú vị” thêm một chút cảm giác khả thi và khiến trò chơi vui hơn, bà nói. Hargrove biết những tấm vé số được mua nhất thời, vậy nên bà nhấn mạnh vào việc quảng cảo ngay thời điểm mua hàng. Bà cố gắng để khiến vé số phổ biến như “kẹo gum bong bóng”.

Ngồi trong văn phòng ở Tennessee, khí lực của bà không hề giảm sút, Hargrove nhấn mạnh việc xổ số gầy dựng quỹ triệu đô cho những chương trình giáo dục phục vụ trẻ em của bang, và điều đó lúc nào cũng cần phải thật hiển nhiên. Mối liên kết trực tiếp với giáo dục “ảnh hưởng đến mọi thứ – nó ảnh hưởng đến cảm nhận của các nhà lập pháp, nó ảnh hưởng đến cảm nhận của cộng đồng, nó ảnh hưởng đến cảm nhận của đám đông về anh,” bà nói. “Tất cả những điều đó khiến việc mua vé số là một trải nghiệm tích cực.”

Dù chiến dịch quảng cáo của Hargrove vẫn chưa thực sự giải thích tại sao ta cứ hay chơi xổ số, các nhà khoa học đang ngày càng cố gắng lý giải cách những quảng cáo xổ số lên lỏi vào não bộ của chúng ta và ảnh hưởng đến cộng đồng.

Bán ước mơ xổ số là khả thi vì, nghịch lý là, tỷ lệ thắng là cực nhỏ đến nỗi nó không còn liên quan nữa. Não bộ của chúng ta không tiến hóa để tính toán những tỷ lệ phức tạp. Trong quá khứ tiến hóa, khả năng phân biệt trong khoảng 1% hay 10% khả năng bị thú săn mồi tấn công không phải là một lợi thế rõ rệt. Những cách thức phân loại cơ bản và thô sơ, như “không xảy ra”, “đôi lúc xảy ra”, “thường xảy ra”, “thường xuyên xảy ra”, là đủ, giải thích của Jane L. Risen, phó giáo sư Khoa học Hành vi tại Trường Kinh tế, Đại học Chicago, nghiên cứu về hành vi đưa ra quyết định. Dù lý luận và toán học của chúng ta đã được nâng cao, cô nói, ta vẫn thường dựa vào những tính toán thô để đưa ra quyết định, nhất là những quyết định nhanh như việc mua vé số.

Trong khoảng chân không khái niệm được tạo ra bởi một tỷ lệ không thể hiểu nổi, người ta thường tìm đến những suy nghĩ ma thuật hay mê tín, chơi theo linh cảm, hay chỉ đơn giản là quẳng đi lý trí, theo lời George Loewenstein, giáo sư kinh tế học và tâm lý học tại Carnegie Mellon. “Đa số nhưng điều lạ lùng trong việc đưa ra quyết định và rủi ro bạn thường thấy xảy ra với những tỷ lệ rất nhỏ,” ông nói.

Bán ước mơ xổ số là khả thi vì, nghịch lý là, tỷ lệ thắng là cực nhỏ đến nỗi nó không còn liên quan nữa.

Lý do có thể là sự thiếu chắc chắn kích hoạt một mạng lưới các vùng não bộ phản xạ thúc đẩy ta tìm ra một quyết định. Đối với não bộ, thiếu chắc chắn là một trạng thái tiêu cực, thế nên nó sẽ la lên, “Tôi không biết phải làm sao, tôi không biết phải xử sự thế nào, cơ thể của tôi đang gặp nguy,” theo Giorgio Coricelli, phó giáo sư kinh tế học và tâm lý học tại Đại học Nam California. “Để đưa ra quyết định, não bộ tự động tìm kiếm những gợi ý, những thông tin khác, và nếu có quá ít thông tin, ta có thể tạo ra những sự kết hợp lạ lùng, cho rằng một điều gì đó có thật, cho dù nó là mê tin.”

Có rất nhiều nghiên cứu lịch sử liên quan đến sự trỗi dậy của tôn giáo và mê tín cùng với tính không chắc chắn, Coricelli nói. Tương tự, khi ta không thể làm gì để tăng một tỷ lệ, ta thường sẽ đánh con số 7 may mắn hay nằng nặc mua vé số tại một thời điểm nhất định trong ngày để tăng khả năng trúng số.

Khuynh hướng tưởng tượng biến chúng ta trở thành mục tiêu ngon ăn cho những chiêu tiếp thị. Quảng cáo xổ số miêu tả người trúng số đi chiếc xe limousine dài dằng dặc, đếm từng cọc từng cọc tiền, mặc những bộ váy dài và tuxedo xa hoa, nhâm nhi rượu champagne.

Những quảng cáo ấy thắng lớn vì việc mơ tưởng trúng số kích hoạt những bộ phận não bộ giống như khi ta thực sự trúng số, ghi chú của Daniel Levine, giáo sư tâm lý học tại Đại học Texas ở Arlington, chuyên gia thuyết quyết định và mạng lưới thần kinh. Tưởng tượng bản thân đi limo kích hoạt vùng thị giác của não bộ, còn tưởng tượng cụng ly champagne kích hoạt vỏ não thính giác. Những bộ phận này có liên kết với vùng điều khiển cảm xúc, quyết định, và động lực. “Khu vực chịu trách nhiệm về động lực trong não bộ có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi người ta mơ mộng sống động,” Levine nói. “Cũng như khi thấy một thứ gì đó có thể kích hoạt hệ thống cảm xúc, tưởng tượng cũng có tác dụng tương tự.”

Nhưng ngay cả những ảo tưởng cũng sẽ bay mất nếu ta luôn thua – một điều mà Hargrove ngộ ra ngay từ đầu. Nghiên cứu cho thấy sự gia cố tích cực là chìa khóa của hầu hết những hãng xổ số thành công, Williams của Đại học Lethbridge nói. Ông nói rằng những xổ số cho phép người chơi kết hợp bốn hay năm con số trong tổng 60 con số là rất phổ biến, vì rất nhiều người trải qua cái cảm giác “sát nút”, tạo ra ảo tưởng rằng họ suýt tí nữa đã trúng độc đắc hàng triệu đô la. Thế nhưng đa số người chơi không nhận ra rằng cái “sát nút” ấy chỉ là ảo tưởng. Khi người ta chơi xổ số liên tiếp, tỷ lệ thắng sẽ còn giảm hơn nữa.

Có một yếu tố quan trọng khác khi ta đứng trước quầy thu ngân tại cửa hàng tiện lợi: hình ảnh cá nhân. Thực chất doanh thu xổ số bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy nghĩ của chúng ta khi mua vé số, và nhận thức về bản thân so với người khác.

Loewenstein của Carnegie Mellon và đồng nghiệp chứng minh rằng ta có thể thay đổi số lượng vé số mà người ta mua bằng cách khiến họ nghĩ – hoặc không nghĩ – về việc mua vé số trong bối cảnh rộng hơn. Các nhà nghiên cứu cho tiền một nhóm người tham gia năm lần, mỗi lần 1 đô la, và cho năm lần như thế, rồi hỏi họ có muốn mua vé số không. Với nhóm thứ hai, họ cho thẳng 5 đô la và hỏi họ muốn mua mấy tờ vé số, còn nhóm thứ ba nhận 5 đô la với chỉ hai lựa chọn: họ có thể dành hết số tiền đó mua vé số hoặc không mua một tờ nào. Người ở nhóm thứ nhất mua vé số nhiều gấp đôi những người được hỏi họ muốn dành mấy phần của 5 đô la để mua vé số. 87% số người thuộc nhóm ba chọn không mua vé số.

Một trong những điều mà thực nghiệm trên cho thấy là người chơi xổ số thường “suy nghĩ thiển cận”, theo Romel Mostafa, đồng tác giả của nghiên cứu năm 2008 với Loewenstein, và hiện tại là giáo sư phụ trợ ngành Kinh tế, Kinh tế học, và Chính sách công tại Trường Kinh tế Evey, Đại học Western. “Mỗi lần mua ta chỉ nghĩ sẽ mua một hoặc hai tờ vé số thôi. Nhưng khi ta thường xuyên mua, con số ấy sẽ tăng lên. Và nếu tôi ngay từ đầu tôi có sẵn trong tay tổng số tiền mua vé số trong một thời gian dài, tôi sẽ không mua vé số.”

Hiệu ứng “đóng khung” này cũng giải thích nhầm lẫn về rủi ro của chúng ta. Đa số mọi người “đóng khung” xổ số là “Ôi, tôi có thể trúng 100 triệu đô la đấy”, thay vì tính toán họ sẽ mất những gì, nhà kinh tế học của Prince Hank Farber nói. “Đối với họ 1 đô la là không quan trọng.”

Cách ta đóng khung tỷ lệ trúng số không phải là điều duy nhất ảnh hưởng đến việc ta có chơi xổ số hay không. Thực chất cách ta đóng khung tình hình tài chính của bản thân cũng góp phần đưa đến quyết định chơi xổ số.

Mostafa, Loewenstein, và các đồng nghiệp thiết kế một nghiên cứu để khảo sát mức độ ảnh hưởng của “cảm giác nghèo” lên quyết định chiơ xổ số. Họ tìm đến những người ở Trạm Xe bus Pittsburg Greyhound (có thu nhập bình quân là 29,228 đô la) và yêu cầu họ điền vào bảng câu hỏi về “vấn đề cộng đồng”. Đa số câu hỏi đều chỉ là bù nhìn. Điều duy nhất mà các nhà nghiên cứu quan tâm là hai phiên bản khác nhau của một câu hỏi trắc nghiệm, “Bạn làm ra được bao nhiêu tiền”. Một nửa số người nhận được câu hỏi với các câu trả lời: “dưới 10,000 đô la”, “dưới 20,000 đô la”, “dưới 30,000 đô la”. Nửa còn lại có các lựa chọn khiến họ cảm thấy nghèo, bao gồm “dưới 100,000 đô la”, “dưới 200,000 đô la”, “dưới 300,000 đô la”.

Sau khi hoàn thành bảng câu hỏi, người tham gia được trả 5 đô la và được hỏi liệu họ có muốn sử dụng số tiền này để mua vé số không. Người có cảm giác nghèo mua vé số nhiều gấp đôi người của nhóm còn lại, theo lời tác giả viết trong nghiên cứu năm 2008 được xuất bản trên tờ Journal of Behavioral Decision Making (Tạp chí Hành vi Quyết định).

Những quảng cáo ấy thắng lớn vì việc mơ tưởng trúng số kích hoạt những bộ phận não bộ giống như khi ta thực sự trúng số.

“Xổ số là cách nâng cao giới hạn những gì có thể xảy ra với bạn,” Loewenstein nói. “Nếu có điều gì khiến bạn nhớ rằng mình nghèo, thoát nghèo đột nhiên trở thành một động cơ mãnh liệt. Ngay khoảnh khắc ấy, vé số trở nên hấp dẫn hơn.”

Ông còn nói, đối với rất nhiều người nghèo, “họ không nghĩ ra được viễn cảnh nào giúp họ ngay lập tức trở nên cực giàu.” Đối với họ, tỷ lệ trúng số là cực kỳ thấp – nhưng tỷ lệ có được công việc lương sáu chữ số cũng thấp tương tự.

Luận điểm trên được làm sáng tỏ trong một nghiên cứu năm 2006 của Liên đoàn Tiêu dùng Mỹ, khảo sát trên 1000 người Mỹ trưởng thành về nhìn nhận của họ đối với sự giàu có. Kết quả là 21% người Mỹ – 38% trong số đó có thu nhập dưới 25,000 đô la – nghĩ rằng trúng xổ số tượng trưng cho cách “thiết thực nhất” để sở hữu vài trăm nghìn đô la.

“Nhiều người nói rằng xổ số là một loại thuế thu hồi, và điều đó là đúng,” Loewenstein nói, đề cập đến loại thuế không ràng buộc với thu nhập, và chiếm tỷ lệ lớn hơn trong thu nhập của những người thiếu điều kiện hơn. (Một người làm ra 15,000 đô la một năm và mua vé số hết 1,500 đô la đã bỏ ra 10% thu nhập, trong khi người làm ra 150,000 đô la một năm và mua vé số hết 1,500 đô la chỉ bỏ ra 1%.) “Đúng là người nghèo phải chi ra một phần lớn hơn trong thu nhập để mua vé số” so với người giàu có, ông nói. “Nhưng tôi không nghĩ điều đó là vô lý. Mua vé số là một cách ít tốn kém để nâng cao giới hạn những gì có thể xảy ra với túi tiền của bạn.” Nói cách khác, khi tiềm lực tài chính của bạn mù mờ, mua hy vọng cũng là điều hợp lý.

Cách ta nhìn nhận bản thân so với người khác cũng định hình quyết định chơi xổ số – một đòn bẩy mà ngành công nghiệp xổ số rất thích đánh vào. Một ví dụ điển hình là “Xổ số Mã bưu điện” ở Hà Lan. Mỗi tuần, giải thưởng “Con đường độc đắc” sẽ được trao cho một mã bưu điện được chọn ngẫu nhiên. Khi một mã bưu điện (thường khoảng 25 hộ gia đình trên một con đường) trúng giải, những chơi xổ số với mã bưu điện ấy thắng khoảng 12,500 đô la hoặc hơn thế nữa. Những ai sống tại đó mà không mua vé số sẽ không thắng được gì cả – à họ có khả năng sẽ phải nhìn hàng xóm ăn mừng đấy. Trong phần xổ số phụ, rất nhiều người mua vé số có mã bưu điện trúng thưởng còn thắng được xe BMW, và có cơ hội trúng khoảng 14 triệu đô la – 7 triệu đô la cho người may mắn duy nhất trong vùng mã bưu điện thắng giải, và 7 triệu đô la cho người hàng xóm cũng mua vé số gần họ nhất.

Đối với rất nhiều người nghèo, “họ không nghĩ ra được viễn cảnh nào giúp họ ngay lập tức trở nên cực giàu.

Trong nghiên cứu năm 2003, các nhà nghiên cứu thuộc Ban Tâm lý học Kinh tế và Xã hội, và Ban Tiếp thị tại Đại học Tilbrug ở Hà Lan, ghi nhận nỗi sợ nuối tiếc đóng vai trò đáng kể ở Xổ số Mã bưu điện hơn so với xổ số thông thường. Thứ khiến người ta mua vé số không phải là tỷ lệ chiến thắng, mà là suy nghĩ họ có thể sẽ phải ngồi ngoài cuộc tiếc nuối một cơ hội đã vụt mất. Người khởi xướng xổ số mã bưu điện có vẻ như nhận thức rất rõ điều này. Có người gửi thư nói rằng: “Chua chát, đó là cảm giác khi bạn để vụt mất ít nhất 2 triệu đô la trong gang tấc. Vì nhìn thấy giải thưởng triệu đô rơi xuống ngay địa chỉ nhà bạn, nhưng bạn lại không nhận được một xu nào vì không mua vé số, đó là một điều bạn không muốn trải qua đâu.”

“Não bộ rất nhạy cảm với mất mát – ngay cả khi tỷ lệ mất mát là rất nhỏ,” Coricelli giải thích. “Vậy nếu bạn đóng khung một thứ gì đó là mất mát, theo bản năng sẽ có một động lực thôi thúc bạn né tránh. Chúng ta có ác cảm với những mát mát.”

Theo Levine của Đại học Texas, trên thực tế, mạng lưới não bộ của chúng ta đánh giá được và mất không phải dựa trên bản thân, mà là so sánh với người khác. “Nếu bạn không thấy ai đi xe limo, bạn có thể hoàn toàn hạnh phúc với chiếc Honda Civic của mình,” Levine nói. “Nhưng nếu bạn thực sự thấy một chiếc limo, bạn sẽ cảm thấy ít vui vẻ hơn với những gì mình đang có. Đó là một sự so sánh. Bạn có thể thao túng một người cảm thấy tiếc nuối khi họ nhìn thấy người khác được nhiều hơn những gì họ có.”

Cuối cùng, nỗi sợ và nuối tiếc đối lập với hy vọng và ước mơ – tất cả đều là những cảm xúc mạnh mẽ, khi kích hoạt có thể khiến ta từ bỏ lý trí, hành động theo trực giác, và có thể là cả việc đưa ra những quyết định bình thường ta không bao giờ nghĩ đến. Khi tôi rời văn phòng của Hargrove và lái xe đọc vùng liên bang Tennessee đến sân bay, tôi lướt nhìn đường cao tốc để tìm bảng quảng cảo Powerball mà bà cho là công cụ quảng cáo tốt nhất mà bà có. Bà không cần quá nhiều câu chữ để gửi đi thông điệp, trên bảng quảng cáo lúc ấy, những con số điện tử cao hơn 3 mét, giải độc đắc 100 triệu đô la. Trong lúc lái xe, tôi không thể nào không suy nghĩ, “Mình sẽ làm gì với ngần ấy tiền?”

Dịch: Thợ săn tiền thưởng

Nguồn: http://nautil.us/issue/4/the-unlikely/why-we-keep-playing-the-lottery

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *