Sự việc bạo lực học đường ở Trà Vinh làm cho mỗi người không khỏi xót xa. Nhưng đau nhất vẫn là môi trường học đường bị vẫn đục. Một nữ học sinh bị hành xử xử bằng ghế nhựa vời hàng loạt những hành động có thể nói là dã man, tàn bạo… Tàn nhẫn thay khi nó được bịt kín như bưng. Người bị bạo hành thì không nói nên lời. Người bạo hành thì không lên tiếng… Còn người chứng kiến thì chẳng biết thế nào nên cũng im hơi… Tin tức tung ra đúng cái ngày mà phụ nữ được tôn vinh lại trở thành ngày một thiếu nữ bị bạo hành tập thể…
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN
Nhiều góc nhìn xoay quanh bạo lực học đường được xác lập. Giáo dục nhà trường được xem là một môi trường giáo dục lành mạnh và tích cực nhất. Thế nhưng, trong những năm gần đây, đã có nhiều sự hoài nghi về tính lành mạnh của môi trường giáo dục nhà trường. Có nhiều ý kiến cho rằng môi trường giáo dục ở nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường như hiện nay. Thực tế, chính sự thiếu chuẩn mực trong sự ứng xử làm mẫu của người lớn trong trường học mà cụ thể là những nhà giáo dục đã làm cho học sinh thiếu sự soi gương về hành vi của chính mình. Đó là chưa kể sự ứng xử thiếu màu sắc hòa bình và tôn trọng trong giáo dục của nhà giáo dục với học sinh ngay trong môi trường học đường đã dẫn đến những sự hẫng hụt về mặt tâm lý, sự lệch chuẩn trong nhận thức về cung cách ứng xử của học sinh và bóng dáng của bạo lực dần xuất hiện…
Khi các em bị bạo lực, thầy cô ở đâu? Hơn nữa, vụ việc bạo lực này có thể được tổ chức bởi một lớp trưởng? Bên cạnh đó, có cả sự tham gia của vài người bạn cùng lớp và khác lớp? Chẳng lẽ một người bị bạo hành, thương tổn lại không có bất kỳ vết tích nào về thể xác lẫn tinh thần? Thầy cô ơi ở đâu để những nỗi buồn của em vương trên mắt trên môi mà không ai thấy? Lúc em bị những vết trầy xướt ngay trong học đường, chắc thầy cô nghĩ chẳng qua em chỉ quậy phá hay là đùa giỡn nên mắc phải? Lúc em bị rướm máu bởi chồng ghế bạn ném chắc thầy cô nghĩ ngay là em vô tâm té ngã?… Hoặc em có thể bỏ chạy khỏi đòn roi của bạn, khỏi sự tàn đau của đám ghế nhựa, khỏi cái ném của mấy chai lọ thì em vẫn sợ hãi thầy cô ơi… Nhưng cảm xúc của em, sự lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi hay sự hoảng hốt của em vẫn tồn tại đấy thầy cô ơi… Chỉ cần thầy cô quan tâm, hỏi han, đón em vào lòng, sẻ chia, em sẽ nói ngay chứ sao em phải giấu??? Thầy cô ơi, thầy cô ơi…
Thái độ của các nhà quản lý và thầy cô đối với hành vi bạo lực và kỹ năng giám sát, can thiệp có ảnh hưởng rất lớn đến các ứng xử của họ đối với những hành vi này. Tại trường học, các em học sinh cá biệt (và thường có khuynh hướng trở thành kẻ gây bạo lực) không cảm thấy mình được mong đợi vì các em luôn bị nhìn nhận là tác nhân làm giảm thành tích của lớp, của trường. Lúc đó, nhà giáo dục (thầy cô chủ nhiệm, thầy cô bộ môn, thầy cô giám thị – quản nhiệm và cả thầy cô ban giám hiệu…) sẽ không tìm hiểu kỹ những tác nhân thực sự của việc bạo lực mà sẽ áp đặt nó cho những học sinh cá biệt. Trước những hành vi đối xử ấy, học sinh cảm thấy bức xúc, nảy sinh lòng căm tức thậm chí là thù hận và có thể dẫn tới những hành vi bạo lực để xứng đáng với những gì mà người khác áp đặt cho chúng. Và khi bị bạo lực thì không thể nói rằng mình bị bạo lực… Vì kiểu dán nhãn, vì kiểu thiếu cảm thông hay những mặc định của thầy cô đã dành cho em…
Ai sẽ giúp đỡ em học sinh gặp khó khăn, thầy cô ơi. Học sinh sợ lắm những tiết sinh hoạt chủ nhiệm được mệnh danh là tiết mắng chửi… Sợ lắm phải nằm chễm chệ trong sổ đầu bài với tên gọi: kẻ phiến loạn… Sợ lắm phải chào cờ một mình đứng giữa sân vì là người duy nhất tạo nên giờ C cho lớp… Thực tế có không ít học sinh gặp khó khăn trong mối quan hệ với bạn bè hay những lĩnh vực khác nhưng không biết tìm tới đâu để chia sẻ, không biết tìm ai để được giúp đỡ. Do quá khó khăn nhưng lại không được ai hướng dẫn, khuynh hướng bạo lực trở nên gia tăng ở các em. Chính vì thế, gia đình, thầy cô cần cho trẻ niềm tin để trẻ chia sẻ. Việc thiếu hụt các phòng tư vấn học đường trong trường học và những tổ chức xã hội khác để có thể giúp đỡ học sinh khi cần thiết là một thách thức không nhỏ cho một môi trường giáo dục trường học mở rộng. Thầy cô ở đâu khi học sinh trăn trở, mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh đang diễn ra theo chiều hướng nào, thầy cô sẽ làm gì để trở thành người bạn hay điểm tựa cho các em? Thầy cô có thể dành cho em chút quan tâm, chút tình thương, chút quan sát, chút trò chuyện và chút lòng thành của sự thân thiện được không?
Dẫu biết rằng có thể là lỗi do học sinh hay do bạn… Dẫu biết là thầy cô rất bận và nhiều áp lực bủa vây… Dẫu biết là cuộc sống còn nhiều khó khăn và chúng ta không thể lý tưởng… Nhưng cần muốn khẳng định rằng: Học sinh cần thầy cô. Gia đình cần thầy cô, xã hội cần thầy cô… Cần lắm khi thầy cô dạy học, giáo dục học sinh nên người. Cần lắm khi thầy cô xử lý những mâu thuẫn giữa học trò với nhau. Cần lắm thầy cô giúp học trò trấn an để có thể nhẹ nhàng và bước tiếp cuộc sống… Mọi thứ sẽ được khi và chỉ khi thầy cô dành thời gian và tâm trí dành cho chúng em…
Thầy cô là bạn và có một mối quan hệ đích thực với học sinh… Chính sự thân thiện và sự quan tâm, chính sự dõi theo đúng nghĩa của các thầy cô sẽ làm phương thuốc giúp học sinh tự tin và cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống… Thầy cô sẽ làm tốt trách nhiệm của mình, học trò sẽ học thật tốt và thấy an toàn hơn để phát triển… Thầy cô ơi, đừng quá xa học trò, nhé!
PGS. TS TLH Huỳnh Văn Sơn
Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam
( Bài Đăng từ báo Thanh Niên, số ra ngày 12-3- 2015)