PTSD cần nhiều hơn sự yêu thương qua những lời nói sáo rỗng, nó cần cả sự hiểu biết khoa học, nhẫn nại và chân thành nữa. Không phải cứ lôi nó lên bề mặt vỗ về bằng lời yêu thương là sẽ khỏi. Sự nông cạn, kiêu ngạo mang danh yêu thương ấy nó có thể giết c
Cách đây vài tuần tôi có đọc được một bài post của một vị thầy giáo trẻ có cơ hội làm việc một buổi với các em bị rối loạn stress sau sang chấn (tức là PTSD – Post Traumatic Stress Disorder). Anh có lên Google tìm hiểu bệnh rồi sau đó đến gặp và dạy vẽ cho các em, nhìn các em cười và anh nói rằng, cách DUY NHẤT khiến chúng biến mất là chúng ta kéo chúng lên trên bề mặt, bằng mọi khả năng mà chúng ta có, bằng mọi sự quan tâm, khéo léo và kiên nhẫn mà chúng ta có, để cho ánh sáng của yêu thương, của chia sẻ, bao bọc lấy chúng.
Nếu như là trước đây, có lẽ tôi sẽ cảm thấy câu nói ấy của anh hay biết bao nhiêu, nhân hậu như thế nào, cởi mở và bao dung nhiều đến đâu. Nhưng tôi không phải như trước đây, thế nên tôi cảm thấy nó thật nông cạn, kiêu ngạo và thiếu kiến thức. Nào có ai so sánh những nỗi đau với nhau? Thế nên không thể gộp chúng nó lại rồi bảo chỉ cần yêu thương là sẽ khỏi, đó là cách duy nhất để chữa lành.
Không phải, đó không phải là cách duy nhất.
PTSD cần nhiều hơn sự yêu thương. Rối loạn stress sau sang chấn không phải là một nỗi buồn vu vơ nào đó mà chúng ta thi thoảng gặp, không phải là những áp lực mệt mỏi hằng ngày, chỉ cần sự sẻ chia yêu thương là tan biến. Mà nó là một nỗi đau, một dạng rối loạn tâm lý cần được chữa trị từng bước một trong một khoảng thời gian dài với một đội ngũ bác sĩ chuyên gia tâm lý được đào tạo lâu năm. Bởi vì nếu chỉ tính riêng quân nhân giải ngũ thì cứ mỗi ngày lại có 22 người tự sát, cứ mỗi 65 phút thì lại có một người tự kết thúc mạng sống của mình. PTSD đáng sợ như thế đấy.
PTSD đã từng được cho là một hệ quả của chiến tranh và chỉ có những người lính mới mắc PTSD. Nhưng không, tôi, bạn, và cả những người thân, người xung quanh chúng ta đều có thể mắc PTSD sau chấn thương tâm lý khủng khiếp nào đó. Nó là một con quái vật luôn im lặng chực chờ rồi vồ lấy không cho chúng ta đường lui.
DSM-5 định nghĩa chấn thương tâm lý là sự trải nghiệm hoặc đối mặt cận kề với cái chết, chấn thương nặng, hay xâm hại tình dục. Có thể là nạn nhân trực tiếp từ các sự kiện ấy, hoặc là nhân chứng chứng kiến vụ việc, hay khi biết được người thân yêu của mình bị nạn, trải nghiệm từng chi tiết của sự kiện nhiều lần lặp đi lặp lại (ví dụ như cảnh liên tiếp nhận được các tình huống/chi tiết của vụ lạm dụng trẻ em). Những người này sau khi trải qua sự kiện như đã nêu trên, ảnh hưởng mạnh (chấn thương) tâm lý thường có nguy cơ mắc PTSD.
Triệu chứng của PTSD bao gồm sự trải nghiệm lại sự kiện gây chấn thương tâm lý đó (re-experiencing). Nó không phải chỉ là nhớ lại bình thường mà bệnh nhân cảm nhận được sự đau khổ khó chịu từ những ký ức đó. Còn số người khác thì sống lại sự kiện kinh khủng đó trong những cơn ác mộng kéo dài. Trong một số trường hợp hiếm, bệnh nhân còn trải nghiệm trạng thái tách rời (dissociative state), họ cảm nhận và hành xử y thể như sự kiện đó đang diễn ra ngay lúc này. Ví dụ như một người lính giải ngũ có thể hành xử như thể anh ta vẫn còn đang ở trong trận chiến, và anh ta có thể có những hành động nguy hiểm như thu thập vũ khí, hoặc cô lập, tự phòng thủ mình ngay trong chính căn nhà của mình. Có những trường hợp quân nhân đang trong trạng thái tách rời bắn chết những người thường xung quanh mình vì tưởng họ là quân địch. Thường thì trạng thái này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng vẫn có các trường hợp trạng thái này kéo dài trong vòng ngày.
Sự lảng tránh các tình huống, môi trường có chứa các yếu tố kích thích liên quan đến sự kiện gây chấn thương tâm lý. Nạn nhân từ các vụ việc này thường cố gắng tránh không suy nghĩ hoặc có cảm nhận liên quan đến sự kiện. Họ có thể tránh người, tránh địa phương hoặc các hoạt động gợi nhớ lại sự kiện. Sự lảng tránh cũng bao gồm việc từ chối không bàn luậ hay nói về vụ việc hoặc cảm xúc về nó. Đương nhiên ai vừa mới trải qua sự kiện gây chấn thương tâm lý thì cũng lảng tránh không muốn nhắc lại tình huống lúc ấy. Nhưng nếu muốn hồi phục thì khó tránh khỏi việc bệnh nhân phải đối mặt với cảm xúc, ký ức và một số tình huống liên quan đến chấn thương tâm lý.
Depression by Chuối Photography
Cùng với hai triệu chứng bên trên, sự nâng cao kích thích là triệu chứng thứ ba của PTSD. Ở những người trải nghiệm tỉnh thức quá độ, họ có thể sợ hãi quá mức trước những tình huống không mong đợi, mặc dù tình huống đó không gây hại đến họ. Một số người thì trải nghiệm lo âu quá mức, khó ngủ, hoặc dễ dàng giận dữ.
Triệu chứng thứ tư là có tâm trạng hoặc suy nghĩ tiêu cực. Bệnh nhân mắc PTSD có thể mất đi khả năng trải nghiệm các cảm xúc tích cực, luôn cảm thấy sợ hãi, giận dữ, tội lỗi hoặc cảm nhận mình tách rời khỏi những người xung quanh, không thể nào gắn bó được với họ. Trong một số trường hợp thì sự tê dại trong phản ứng(numbing of responsiveness) hoặc tê liệt cảm xúc (emotional anesthesia) thường xảy ra. Với một số người khác thì sự tiêu cực nằm ở nhận thức. Họ luôn tự trách bản thân mình, lúc nào cũng tự hỏi rằng mình có thể làm gì khác để thay đổi tình huống lúc đó, hoặc nhìn thế giới đầy vẻ tiêu cực thiếu thực tế.
Sự tách rời là một triệu chứng khá phổ biến sau khi chấn thương tâm lý xảy ra. Nhiều người cảm thấy bàng hoàng, tách lập với môi trường xung quanh. Một số người thì mất đi nhân cách (depersonalization). Họ cảm thấy mình như một con robot, hoặc như đang bị mộng du, có một số trường hợp cảm thấy mình đang tách rời khỏi cơ thể, đứng một chỗ quan sát cơ thể mình hành động). Còn có cả trường hợp bệnh nhân trải nghiệm sự vô thức (derealization), cảm giác không thực. Ngay lập tức sau sự kiện 11/9, một số người tỉnh giấc và tự hỏi rằng có phải cuộc tấn công của bọn khủng bố chỉ là cơn ác mộng. Cảm giác không thực này có thể trải dàu vài ngày hoặc lâu hơn. Triệu chứng mất trí nhớ phân ly (dissociative amnesia) cũng có thể xảy ra với bệnh nhân mắc PTSD. Họ không thể nào nhớ được các khía cạnh của sự kiện gây chấn thương tâm lý.
Để chẩn đoán mắc PTSD thì người bệnh phải có bốn trong các triệu chứng mà tôi nêu bên trên. PTSD thường kéo dài hơn một tháng và còn có thể tái phát lại sau này. Để hiểu rõ hơn về các triệu chứng của PTSD, chúng ta cùng tham khảo một case sau đây:
Trong một buổi tối mùa xuân, Stephanie Cason, một sinh viên cao học 27 tuổi sáng dạ, và xinh đẹp chạy ra ngoài để kiểm tra hỏa hoạn từ tòa nhà bên cạnh gần sát căn hộ cô đang sống. Trong lúc quan sát những người lính cứu hỏa thì Stephanie có nói chuyện với một người đàn ông mà cô tưởng là hàng xóm mình. Sau khi nói chuyện thêm với vài người khác thì cô quay về nhà. Hỏa hoạn đã khiến khu nhà cô cúp điện, mặc dù tối nhưng Stephanie vẫn tìm được đường lên lầu, thay đồ ngủ và bước xuống lầu. Lúc đi xuống, cô bị giật mình bởi gã đàn ông mà cô gặp lúc nãy. Không nói lời nào, gã cầm ống tuýp sắt dùng thay bánh xe tấn công cô không ngưng cho đến khi cô ngã ra sàn nhà và ngừng kêu cứu. Stephanie bị cắt rất sâu và choáng váng, mặc dù vậy cô vẫn phản kháng được khi gã xé đồ cô ra. Cô nghe loáng thoáng gã thì thầm vào tai rằng gã muốn quan hệ với cô. Stephanie đã nghĩ “Hắn ta sẽ giết mình”
Tuy nhiên bằng cách nào đó, Stephanie vẫn giữ được tỉnh táo mặc dù máu vẫn không ngừng chảy. Cô “đồng ý” quan hệ với hắn ta nhưng cô đòi phải được tắm rửa gọn gẽ trước. Cuối cùng gã đồng ý để cô đi. Khi Stephanie bước tới phòng tắm của mình, cô kéo một cái tủ đến chặn cửa và hét toáng ra ngoài cửa sổ cầu cứu. Tiếng hét của cô khiến gã kia sợ hãi và tính bỏ trốn, tuy nhiên một người lính cứu hỏa đã kịp thời bắt hắn lại.
Stephanie cứu mình khỏi bị xâm hại nhưng cô không thể nào tự cứu mình ra khỏi cảm xúc suy sụp, gục ngã từ vụ tấn công tình dục ấy. Ngày qua tuần rồi qua tháng, cô lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi tội độ, hoảng hốt và biết ơn khi mình vẫn sống. Cô thường xuyên nghĩ về sự kinh hoàng của đêm đó, và khi cô bắt đầu ngủ thiếp đi thì lại giật mình tỉnh giấc vì những cơn ác mộng tồi tệ. Cô hoảng sợ khi phải ở một mình, đặc biệt là buổi tối, còn cả một số thời điểm ban ngày.
Sau khi bị tấn công không lâu, cô tìm gặp một chuyên viên tâm lý học chữa trị, nhưng cô lại mắc thêm chứng trầm cảm trong lúc chữa trị.Thuốc chống trầm cảm phần nào giúp cô với tâm trạng và giấc ngủ nhưng trong mấy tháng trời Stephanie lúc nào cũng hoảng sợ và gặp khó khăn trong việc tập trung, cảm giác tê dại và không thực. Thêm vào đó cô còn trải nghiệm lại hình ảnh và cảm xúc đêm hôm đó. Cô vẫn đi học, đi làm bình thường nhưng không còn tự tin và tập trung như trước. Càng đến gần cái ngày xảy ra vụ tấn công, cô càng cảm thấy tồi tệ. Mùa xuân là mùa vui tươi và hy vọng nhưng đối với Stephanie, nó khiến cô nhớ về sự kiện kinh khủng hôm ấy. Cơn ác mộng, nỗi sợ hãi lại ùa về. Và sau khi cái này ấy qua đi thì phản ứng của cô dịu dần. Sau đó khoảng hai, ba tháng, cô quay lại cuộc sống bình thường.
Stephanie nhận ra rằng, mặc dù nói về vụ tấn công đó khiến cô đau đớn, nhưng đồng thời, nó cũng giúp đỡ cô nhiều hơn. Sau một năm, cô bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của mình trong các buổi nói chuyện. Điều đó khiến cô cảm thấy thoải mái hơn, quan trọng hơn là nó giúp cô cảm nhận được rằng một số điều tốt đẹp có thể đến từ cơn chấn thương tâm lý ấy. Cô có thể giúp đỡ mọi người bằng chính kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên đôi lúc cô vẫn trải nghiệm lại các cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Có một lần bạn trai cô về nhà lúc nửa đêm và cố gắng hạn chế tiếng động nhưng Stephanie vẫn bị đánh thức. Hoảng sợ bởi sự xuất hiện bất thình lình của anh, cô hét lên đầy kinh sợ, rồi bắt đầu thổn thức, không thể kìm chế nỗi sợ hãi của mình và cảm thấy tê liệt, không thực cho đến tận mấy ngày sau.
Dựa theo tiêu chuẩn của DSM-5, Stephanie được chẫn đoán là mắc chứng PTSD, rối loạn stress sau sang chấn. Cô thường xuyên trải nghiệm lại sự kiện đó, cảm thấy tê dại và không thực, hoảng sợ tột độ trước những tình huống ngoài dự đoán, khó ngủ, thường gặp ác mộng v…v.
PTSD: Giết bạn từ bên trong. Ảnh: PTSD Band
Có thể bạn sẽ hỏi tôi rằng, có rất nhiều người trải qua chấn thương tâm lý nặng nề như chiến tranh, nhưng tại sao lại có người không mắc PTSD. Dựa theo định nghĩa thì chấn thương tâm lý gây ra PTSD, nhưng không phải người mắc chấn thương tâm lý nào cũng sẽ mắc PTSD. Chấn thương tâm lý là cần thiết, nhưng chưa đủ để tạo PTSD. Vậy thì những yếu tố nào sẽ làm tăng tỷ lệ mắc PTSD?
Nghiên cứu về yếu tố xã hội cho thấy nguy cơ mắc PTSD tập trung chủ yếu vào 1) bản chất của chấn thương tâm lý và mức độ mà người đó trải nghiệm nó; 2) sự giúp đỡ của xã hội ngay sau chấn thương đó. Nạn nhân của các vụ chấn thương tâm lý thường có khả năng mắc PTSD nếu sự kiện ấy quá dữ dội, ảnh hưởng đến mạng sống và họ trải nghiệm trực tiếp tình huống đó. Ví dụ như nạn nhân của các vụ cưỡng bức thường dễ mắc PTSD nếu như vụ cưỡng bức ấy xảy ra thành công, hoặc nếu họ bị thương nặng trong lúc bị tấn công hay họ nghĩ rằng kẻ tấn công muốn giết họ.
Sự ủng hộ và giúp đỡ của xã hội có vai trò quan đối với những người mắc chấn thương tâm lý. Nếu không có yếu tố này thì tỷ lệ người mắc PTSD sẽ cao hơn rất nhiều.
Chấn thương tâm lý có thể làm thay đổi một số hoạt động sinh lý của cơ thể. Người mắc PTSD có những hoạt động, hoặc cấu trúc của hạch hạnh nhân (amygdala) chịu trách nhiệm cho cảm xúc, và hồi hãi mã (hippocamous) chịu trách nhiệm về ký ức thuộc não bộ khác hẳn với người bình thường. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chấn thương tâm lý làm tổn hại đến não bộ và thần kinh trung ương.
Tính cách cũng góp phần quyết định đến việc một người mắc chấn thương tâm lý có mắc PTSD hay không. Trong mô hình 5 tính cách (Big Five Factor) thì nghiên cứu cho thấy kích thích thần kinh (neuroticism) có khả năng di truyền khoảng 30% và những người có kích thích thần kinh cao (dễ hoảng sợ, lo âu) thì có nguy cơ mắc PTSD cao hơn những người khác. Trong một số nghiên cứu khác thì kích thích thần kinh ở nữ cao hơn ở nam.Vì thế tỷ lệ nữ mắc PTSD cao nhiều hơn so với nam. Đối với những người stress hằng ngày thì họ cũng dễ dàng mắc PTSD hơn những người sống thoải mái, ít bị stress.
Chữa trị cho người mắc PTSD đòi hỏi sự nhạy cảm rất cao. Sự chuẩn bị chu đáo, có mục tiêu, và không đổ lỗi giúp bệnh nhân rất nhiều trong việc hồi phục. Phương pháp hiệu quả nhất chính là nhận thức – hành vi bằng việc đối mặt lại với sự kiện gây chấn thương tâm lý (Exposure therapy). Trong quá trình này, chuyên viên chữa trị sẽ giúp cho bệnh nhân lấy lại quyền điều khiển đối với nỗi sợ hãi của mình và những cảm xúc mệt mỏi quá sức chịu đựng mà sự kiện ấy mang lại. Nhưng quá trình này phải được tiến hành một cách cực kỳ cẩn thận, tránh cho việc bệnh nhân phải chịu chấn thương tâm lý thêm một lần nữa, dẫn đến biến chứng bệnh như bệnh nhân có thể trải nghiệm rối loạn hoảng sợ, hoặc đau tim. Phương pháp này có thể thực hiện bởi hai cách, cho bệnh nhân tiếp xúc với tất cả các yếu tố liên quan tới chấn thương tâm lý mức nặng nhất (flooding), hoặc chọn từ các yếu tố nhẹ rồi dần dần tăng mức độ của nó lên (desensitization), cái này giúp cho bệnh nhân giảm dần sự nhạy cảm của mình đối với môi trường và các yếu tố kích thích PTSD tái phát. Tùy theo bệnh nhân mà các chuyên viên tâm lý sẽ chọn phương pháp như đối diện với tình huống gây ra nỗi sợ hãi trong đời thực, hay tưởng tượng ra tình huống ấy trong đầu, hoặc kể lại chi tiết sự kiện ấy trong buổi chữa trị …phù hợp với tính cách hay chấn thương tâm lý của từng người.
Đối với những người gặp ác mộng thì phương pháp tưởng tượng diễn tập (imagery rehearsal therapy) làm giảm các cơn ác mộng rất tốt. Người bệnh sẽ làm sống lại những cơn ác mộng đó khi thức tỉnh, nhưng sẽ viết lại kịch bản cho nó theo cách mà họ muốn.
Chữa trị cho PTSD rất khó vì những biến chứng của nó. Những người mắc PTSD cũng thường mắc những bệnh tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu, và lạm dụng chất kích thích. Vì thế nên chữa trị cho PTSD ngoài phương pháp nhận thức-hành vi nêu trên thì còn cả dùng thuốc chống trầm cảm, nhưng nó chỉ giúp một phần rất nhỏ. Ngoài ra còn có cả rối loạn giấc ngủ như ác mộng, rối loạn sinh lý như đau đầu, vấn đề với hệ tiêu hóa và các mối quan hệ. Tỷ lệ tự tử tăng cao ở những người mắc PTSD, khoảng 33% những người bị cưỡng bức có ý định tự tử và khoảng 13% thực sự làm.
Một số người mắc PTSD chọn cách biến chấn thương tâm lý của mình thành điều gì có ý nghĩa hơn. Như Stephanie tìm thấy ý nghĩa từ chấn thương của mình thông qua việc cô khiến những người khác nâng cao cảnh giác về tấn công tình dục hơn. Tuy nhiên việc tìm kiếm ý nghĩa thường đi liền với nhiều triệu chứng PTSD hơn, còn việc tìm thấy thì gắn liền với sự thích nghi tốt hơn.
Thế đấy, PTSD cần nhiều hơn sự yêu thương qua những lời nói sáo rỗng, nó cần cả sự hiểu biết khoa học, nhẫn nại và chân thành nữa. Không phải cứ lôi nó lên bề mặt vỗ về bằng lời yêu thương là sẽ khỏi. Sự nông cạn, kiêu ngạo mang danh yêu thương ấy nó có thể giết chết một người.
Dịch và Viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Nguồn: Abnormal Psychology by Thomas F. Oltmanns, 7th edition, Personality Psychology by Buss and Larsen, 5th edition, CNN News.