(GDVN)-Trở thành thủ lĩnh sớm có thể là nguyên nhân bạo lực nếu thủ lĩnh ấy không biết kiểm soát mình, cộng với việc giáo viên ít theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra.
LTS: Vừa qua, câu chuyện bạo lực học đường khiến dư luận, xã hội tiếp tục một phen hãi hùng. Tưởng chừng “vấn nạn” này đang dần được khắc phục, nhưng thực tế lại diễn ra ngược lại.
Có vô vàn lý do để lý giải về hành vi bạo lực, đặc biệt ở lứa tuổi teen (vị thành niên). Trong đó, việc trở thành thủ lĩnh sớm cũng có thể là nguyên nhân bạo lực.
Ở bài viết này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội Tâm Lý học xã hội Việt Nam sẽ phân tích chi tiết hơn về nguyên nhân phát sinh bạo lực và các giải pháp đặc trị tận gốc “căn bệnh” này, dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả
Câu chuyện của một cá nhân sẽ không phải là vấn đề đáng để nói nếu đó là một cá nhân đang phát triển. Sự điều chỉnh nhân cách và những tác động mang tính giáo dục đã và đang được thực thi.
Tuy nhiên, từ câu chuyện bạo lực ấy dẫn đến nhiều cái nhìn tương thích. Không mong mỏi sẽ làm cho bất kỳ ai tổn thương nhưng rõ ràng một vấn đề cần quan tâm đó là việc thực thi quyền năng của lớp trưởng đang có vấn đề… Nếu thiếu sự tỉnh táo và điều chỉnh thì lằn ranh giữa lạm dụng uy quyền và trách nhiệm sẽ bị chính chiếc áo quản lý hay thủ lĩnh có thể trở nên có vấn đề ngay trong thực tiễn…
Bảo Long – lớp trưởng của lớp 3A nhậm chức vừa được hai tháng thì ra dáng thủ lĩnh rất vội… Oai quyền hẳn trên lớp khi cậu được cô giáo cho quá nhiều “sức mạnh”… Điểm danh buổi sáng để báo cáo. Lên bảng ghi tên tất cả những bạn nói chuyện khi cô chấm bài kiểm tra tại lớp… Thu gom những mớ giấy vụn của các bạn và sẵn sàng phê bình nếu có quên hay có thiếu… Không những có trách nhiệm mà vì nhiều lý do khác, Bảo Long trở nên hơi quá trong mắt bạn bè và cả phụ huynh…
Nhiều phụ huynh cũng lắc đầu ngao ngán khi thấy vẻ quan chức và thủ lĩnh của cậu và cuối giờ khi phát sổ liên lạc, báo bài cuối cùng trong một vài lần nhìn thấy… Có lẽ đây không phải là trường hợp duy nhất của một lớp trưởng tiểu học…
Ảnh minh hoa (nguồn: internet)
Thực tế cho thấy việc trẻ em trở thành thủ lĩnh là nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà trẻ thể hiện quá mức nhu cầu của mình nếu không có sự tiếp sức của cô giáo, thầy giáo hay người lớn. Những nghiên cứu cho thấy việc tập cho trẻ em trở thành thủ lĩnh phụ thuộc khá nhiều vào cách thức của người lớn giao việc, hướng dẫn, điều khiển hoạt động của đứa trẻ.
Việc nhiều giáo viên tạo điều kiện hay giao trách nhiệm quá nhiều cho những lớp trưởng dễ dẫn đến những suy nghĩ chủ quan rằng mình là người quan trọng, mình là người có quyền hành, mình là người hơn người khác, có sức mạnh, có uy… Tất cả không chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ mà có thể dẫn đến sự xuất hiện của hành vi lạm quyền.
Trẻ nhầm tưởng mình có thể thay cô giáo, trẻ nhầm tưởng mình ở trên người khác hay có quyền trách phạt người khác. Trong sự vô tình về hành vi chuẩn mực của thầy cô, trẻ sẽ dễ dàng nghĩ nhầm rằng mình cũng có thể hành động như thế. Trong sự chủ quan ở nhận thức, trẻ nghĩ rằng mình “trừng phạt” bạn là đặc quyền và việc bạo lực với bạn có thể trở thành một hệ quả…
Không dừng lại ở việc được giao nhiều quyền hành, được đặc trách nhiệm vụ quan trọng từ phía thầy cô giáo tiểu học. Ở bậc trung học cơ sở cũng thế, trẻ vẫn có thể tận dụng những kinh nghiệm từ thời tiểu học và mặc định rằng mình có thể hành động một cách rất vô tư… Đó là chưa kể với những mầm mống thủ lĩnh từ tiểu học, trẻ phát huy nhanh và mạnh sự lãnh đạo của mình dù là chưa đúng hướng mà diễn ra theo cái tôi sắc nhọn và cuối cùng tình hình không những không được cải thiện mà còn diễn tiến phức tạp…
Nhiều thủ lĩnh ở bậc trung học cơ sở còn quá quắt hơn khi lạm dụng sức mạnh của thầy cô để ra oai và cho rằng đó là lệnh của thầy cô giáo. Ngoài ra, một số lớp trưởng còn tận dụng hết cơ hội để có thể phát huy ý tưởng “khống chế” người khác bằng “tâm lý đại ca” khi thầy cô vắng mặt vì mặc định mình là người thay thế… Không thể phủ nhận chính cơ chế giao việc chưa rõ ràng, giới hạn quyền hành không cụ thể, kiểm soát khả năng lãnh đạo chưa kỹ, giám sát và điều chỉnh thiếu sâu sát… dẫn đến thực tế đáng buồn khi một số thủ lĩnh trở nên quá quắt dù không phải là tất cả…
Thực tế cũng không thể đổ hết cho thầy cô khi một số phụ huynh lại đầu tư quá sớm cho con kỹ năng làm thủ lĩnh. Không những phụ huynh luôn khuyến khích con mình tỏ ra vượt trội mà khi con cái trở thành quản lý hay lãnh đạo lớp, không những dặn dò con làm thật tốt công việc mà còn thường xuyên đẩy con đến hướng làm quá mà không hay.
Một số bậc cha mẹ thường dặn con làm thế này, thế khác để các bạn sợ con mà không nhớ rằng chính việc hòa nhã với các bạn, tôn trọng các bạn hay đối xử công bằng mới là phương thức trở thành thủ lĩnh có chỗ đứng vững vàng trong tập thể.
PGS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn (ảnh: Petrotimes)
Chưa dừng lại ở đó, một vài phụ huynh còn đẩy con mình đi vào các trung tâm để đầu tư các kỹ năng trở thành thủ lĩnh thật sớm để thông qua đó giúp trẻ “bộc lộ” tối đa chất thủ lĩnh.
Cụ thể như có thể luân phiên lớp trưởng theo tháng ở tiểu học, có thể cho bình bầu lớp trưởng, đối thoại với lớp trưởng, bình chọn ngôi sao ngẫu nhiên bằng hình thức “giấu tên” trong ma trận, kiểm tra vị thế của lớp trưởng trong các dạng hoạt động khác nhau, mô tả chân dung của người quản lý lớp trong bài cảm nhận, bài tập làm văn… Những giải pháp ấy là nguồn thông tin và cũng là biện pháp để điều chỉnh cách quản lý của giáo viên… cũng như góp phần hỗ trợ giáo viên có thông tin đa chiều về lớp trưởng…
Việc trở thành thủ lĩnh sớm sẽ không là vấn đề nếu thủ lĩnh ấy biết kiểm soát mình song song với việc giáo viên có theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra. Đó là yêu cầu cần thiết chứ không thể chủ quan và cảm tính… Trách nhiệm ấy thuộc về nhà trường, thầy cô và cả phụ huynh… Vì nếu không, thủ lĩnh sớm vẫn có thể dẫn đến bạo lực, nếu…
QUỐC TOẢN (GHI)