Trầm cảm (Ảnh minh họa)
Có thể nói rằng trầm cảm ở người lớn là một vấn đề hết sức nghiêm trọng cả về tâm lý lẫn bệnh lý. Trầm cảm có thể để lại những vết tích sâu sắc trong đời sống của con người cả ở hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, ngay từ vết trầm bất thường trong đời sống tâm lý nếu người thân phát hiện sẽ là những cứ liệu quan trọng để có những tác động hợp lý về mặt ứng xử. Ngày nay, trầm cả không chỉ xảy ra ở những đối tượng gặp những sự hẫng hụt hay những cảm xúc tiêu cực liên tục trong cuộc sống ở từ giai đoạn trưởng thành mà những biểu hiện này có thể xuất phát từ rất sớm. Những biểu hiện trầm tính, buồn bã, tự thu mình khi có thêm một đứa em là những vấn đề cần sớm được quan tâm và tìm hiểu
KHI NHÀ MÌNH CÓ THÊM MỘT NGƯỜI
Không ít trường hợp trẻ con có sự biến đổi một cách hết sức khác thường khi gia đình chào đón một thành viên mới. Mới hôm nào còn vui vẻ cười cười nói là con sẽ thương em lắm mẹ ạ! Rồi còn liến thoắng hỏi rằng em là con gái hay con trai, có giống con không… Cứ tưởng là con cũng mê có em bé, cũng rất vui vẻ chào đón sự có mặt của một thành viên mới. Tuy nhiên, có ai ngờ đâu sự thật hoàn toàn đổi khác khi nhà mình có thêm một người.
Cu Tuấn chỉ vỏn vẹn năm tuổi những đã hỏi han mẹ rất nhiều điều về sự xuất hiện của đứa em mình. Nào là em sẽ mặc quần áo gì cho đến chuyện em có cận giống con hay không. Cứ đinh ninh rằng con mình sẽ rất thương em khi em chào đời nên mẹ Lan đâu có chú ý gì đến một vài câu hỏi ngô nghê của con: Vậy em có giống con không hở mẹ, em ăn cơm hay sẽ bú mẹ… Sự thật mau chóng thay đổi khi em bé chào đời được vừa ba tháng. Tuấn không còn thường xuyên nói chuyện với ba – với mẹ, im lặng một cách bất thường. Thỉnh thoảng thì len lén nhìn mẹ cho em bú hay mẹ đang chăm sóc em. Lúc thì muốn bước vào nhìn em và trò chuyện với mẹ, lúc thì vào chỉ nhìn em duy nhất một cái rồi lại trở ra. Cả ba và mẹ bắt đầu nhận thấy điều ấy nên hỏi han và chia sẻ thì cu cậu bảo rằng đâu có gì, con đâu có khóc… Con rất thương em mà… Tình hình có vẻ trầm trọng hơn khi đi học ở trường Mầm non Tuấn bắt đầu bắt nạt những bạn nhỏ hơn mình và tỏ ra là đàn anh một cách khác lạ…
Thực chất cho thấy không phải duy chỉ có trường hợp Tuấn mới là vấn đề đáng phải quan tâm nhưng vẫn có những trường hợp khác hơn minh chứng rằng việc nảy sinh những cảm xúc tiêu cực khi chào đón sự xuất hiện em của mình đã tồn tại từ khá lâu. Khi có thêm người em, cảm giác của trẻ vừa rất vui thích nhưng cũng có thể rất lo lắng. Những hành động hay những câu nói của trẻ phần nào minh chứng cho một thực tế là trẻ đang gặp những vấn đề về tâm lý. Đó là sự xung đột nội tại, đó là sự hẫng hụt về mặt tâm lý hoặc cơ chế tự thủ về mặt hành vi… Những biểu hiện này có thể làm cho đời sống tâm lý của trẻ có khá nhiều sự phức tạp và diễn biến theo chiều hướng trẻ trầm đi về mặt cảm xúc cũng như nảy sinh những phản ứng tâm lý; lầm lì, ít nói, buồn bã, cố gắng chịu đựng, thách thức bản thân, xung năng điều chuyển…
PHẢI CHĂNG LÀ TRẦM CẢM
Thực chất cho thấy những biểu hiện trên xảy ra như là những biểu hiện ban đầu về mặt cảm xúc và tâm lý của trẻ. Không thể kết luận đây là trầm cảm vì những biểu hiện này chỉ tồn tại mang tính chất tâm lý nhất thời. Điều quan trọng là nó thiếu hẳn những biểu hiện kèm theo về mặt sức khỏe – cơ thể – sinh lý nên chưa thể là trầm cảm. Mặt khác, chính bản thân đứa trẻ cũng có thể dễ dàng vượt qua cũng như nhờ vào sự tác động của người lớn thì những cảm xúc tiêu cực ấy có thể nhẹ nhàng và nhanh chóng lùi về quá khứ.
Nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực hay sự “trầm lắng” về mặt cảm xúc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân quan trọng là có một số bậc cha mẹ đã không chuẩn bị tâm lý cho con đón nhận em mình như một thành viên ngay từ khi em còn trong bụng mẹ. Những hành động vuốt ve me, kể chuyện cho em nghe, nói chuyện với em bằng cách thông qua bào thai mẹ cũng như những tín hiệu phản hồi từ em bé với anh chị của mình ngay từ khi còn trong bụng mẹ phải được cha mẹ “dịch” lại theo một ngôn ngữ rất tích cực và đầy thiện cảm. Đó chính là cơ sở rất quan trọng để đứa trẻ có thể tự tin cũng như tích cực để đón nhận em mình. Mặt khác, ngay khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ cần có những tác động tích cực để có thể cân bằng quan hệ giữa mình với cả hai đứa con. Một số bậc cha mẹ trong vài tháng đầu tiên sau khi sinh dành hết tình cảm, sự quan tâm, thương yêu và sự chăm sóc của mình cho đứa bé mới sinh nên quên bẵng đứa con lớn của mình. Sự sai lầm ở đây sẽ diễn ra khi chúng ta bỏ trẻ bơ vơ hoặc giao trẻ hẳn cho người còn lại hay thậm chí là vú nuôi, người giúp việc trong gia đình. Hơn thế nữa, một số bậc cha mẹ lại tập trung quá sức trong việc chăm sóc em bé nên không còn đủ thời gian và tâm trí để chăm sóc đứa con lớn của mình sẽ tạo ra những hẫng hụt đáng kể về mặt tâm lý và nhân cách. Đó là còn chưa kể đến một số bậc cha mẹ thể hiện tình thương một cách “thiếu tinh tế”, “thiếu kiểm soát” thông qua những hành vi và lời nói đôi lúc hơi vô tâm sẽ dẫn đến những biểu hiện “trầm” về mặt cảm xúc của trẻ.
Những cảm xúc trầm này thực sự cũng có thể mau chóng qua đi nhưng nó sẽ thật sự nguy hại cho sự phát triển tâm lý của đứa trẻ nếu cha mẹ không sớm nhận ra cũng như mau chóng điều chỉnh sự ứng xử của mình. Cách thức để giải quyết hay giải tỏa những yếu tố trầm trong cảm xúc của trẻ là đừng hỏi trẻ quá nhiều hay yêu cầu trẻ bộc bạch mà hãy thể hiện tình thương và sự quan tâm của mình đến trẻ. Dần dần, chúng ta sẽ tạo cho trẻ mối thiện cảm với cha mẹ. Những cơ hội cần thiết mà trẻ có dấu hiệu bộc lộ cảm xúc, hãy nói với trẻ một cách tích cực để trẻ bộc lộ tối đa cảm xúc của chính mình. Ngoài ra, cũng nên tạo điều kiện để trẻ thực sự chú ý đến em của mình bằng những món quà mua cho cả hai đứa, những đồ vật dễ thương mà là anh – chị sẽ được phần to… Đó là những hành động kịp lúc – kịp thời giúp trẻ cân bằng lại cảm xúc của chính mình.
Không hẳn những “nốt trầm” ấy là trầm cảm nhưng đó là những vết hằn không tốt về phương diện cảm xúc và hành vi của trẻ. Điều căn cơ mà người lớn cần chú ý là nên tinh tế nhận ra nó để điều chỉnh sự ứng xử của mình nhằm giúp trẻ hòa nhập xã hội gia đình một cách tích cực, thiết lập những quan hệ gia đình một cách vui vẻ và hiệu quả. Các bậc cha mẹ hãy chú ý đến những vết trầm này để có thể chú ý sự ứng xử của mình cũng như sự chuẩn bị tâm lý cho con mình ngay từ khi em bé mới còn trong bụng mẹ để tránh những xung đột nội tại, những xúc cảm âm tính tồn tại trong đời sống tâm lý của trẻ. Đó là hành lang thực sự an toàn cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN