TRẺ EM KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỚI LỚN THU NHỎ

 PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Trẻ em không là người lớn thu nhỏ

Trẻ em không là người lớn thu nhỏ

 

The Voice Kids đang là chương trình truyền hình thực tế được yêu thích nhất hiện nay bởi sự hồn nhiên nhưng cũng đầy tự tin của các bé thiếu nhi. Đặt tiêu chí tâm lý của trẻ lên hàng đầu, ban tổ chức The Voice Kids đã mời Phó giáo sư – tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn làm cố vấn tâm lý cho chương trình. Là một trong những chuyên gia tâm lý hàng đầu hiện nay, Phó giáo sư – tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn đã có những lời khuyên bổ ích và kịp thời cho các huấn luyện viên và các thí sinh, giúp cho các em có thể tự tin, tỏa sáng trên sân khấu.

 

Trẻ em thường có những đặc điểm tâm lý gì đặc biệt, thưa anh?

Đây là một vấn đề khá thú vị … Khi nói về đặc điểm tâm lý của trẻ chúng ta cần đặc biệt chú ý tới hai khía canh:

Thứ nhất, trẻ em là trẻ em chứ không phải là người lớn thu nhỏ. Trẻ em có những đặc điểm riêng về nhận thức, cảm xúc và cả những nhu cầu đặc biệt khác với người lớn…

Thứ hai, trẻ em là một thực thể đang phát triển. Ở độ tuổi từ 1 đến 15, trẻ có các đặc trưng  về  mặt tâm lý như: nhận thức nhanh nhưng chưa hẳn đủ, rất nhạy cảm và cũng rất chóng cân bằng, rất tinh tế nhưng chỉ giới hạn ở một phạm vi nhỏ, chú ý nhiều nhưng chưa sâu… Đó là chưa kể đến những điểm khác như: năng động, vui vẻ, thích hoạt náo, thích cái mới lạ, hay thay đổi và một chút bí ẩn

Hiện nay có sự bùng nổ các sân chơi truyền hình dành cho trẻ em trên các kênh sóng từ Trung ương đến địa phương, thu hút sự quan tâm của rất nhiều các em thiếu nhi. Điều đó cho thấy Gameshow truyền hình đã trở thành sân chơi của một thế hệ măng non hiện nay, góp phần bồi đắp tài năng cũng như tạo dựng được môi trường giải trí lành mạnh cho các em. Theo anh các gameshow dành cho thiếu nhi hiện nay đã thật sự phù hợp ?

Để đánh giá tiêu chí phù hợp hay không, chúng ta cần trả lời cho câu hỏi: Dựa trên cơ sở nào để đánh giá?

Theo ý kiến cá nhân tôi thì, yếu tố đầu tiên của sự phù hợp là các em  phải thích thú với các chương trình ấy đã. Thêm vào đó, các em có thể vui theo hướng giải trí nhưng cũng phải đảm bảo sự an toàn về  mặt tâm trí. Tôi cũng có cơ hội trở thành cố vấn hoặc giám khảo cho một số chương trình, có những chương trình thì chỉ tham gia với tư cách…khán giả thôi. (Cưởi). Nhìn chung hơn 50% các chương trình mà tôi biết bắt đầu đáp ứng được yêu cầu đó.

Một chương trình  được coi là phù hợp khi  biết đặt  đối tượng thụ hưởng lên hàng đầu. Một số chương trình đã bám sát được tiêu chí này ngay từ đầu,  có những chương trình còn dung hòa được cả hai tiêu chí, thụ hưởng và  giáo dục … Tuy nhiên vẫn còn  nhiều chương trình chưa đáp ứng được  hai yêu cầu này.

Đồrêmí là chương trình truyền hình gây được tiếng vang lớn trong suốt mấy năm qua, và thời gian gần đây sự xuất hiện  của chương trình The Voice Kid  khiến cho không chỉ các khán giả nhí mà ngay cả người lớn cũng phát sốt. Tuy nhiên, chinh tâm lý thắng thua của các phụ huynh đã tạo một áp lực quá lớn cho  các em. Theo anh làm thế nào để khắc phục  tình trạng này?

Tôi không muốn làm cho các phụ huynh buồn vì  phụ huynh cũng là bạn của tôi và tôi cũng là phụ huynh… Nhưng tôi muốn thẳng thắn và chia sẻ rằng: phụ huynh đừng can thiệp quá nhiều hay thậm chí quyết định đời sống của trẻ. Xin nhấn mạnh là can thiệp chứ không phải là quan tâm hay giáo dục…

Khắc phục tình trạng này thì trước hết phụ huynh phải là những người tỉnh táo, luôn biết đặt  khung mục tiêu của mình và tránh biến mục tiêu của mình thành của con, tránh việc “ám” trẻ như một chiếc khung vô hình… Hãy dạy trẻ biết nhận ra những điều hay, những điều tích cực trong một chương trình nào đó, hãy nhìn những niềm vui trẻ có được để động viên,… Nhưng cũng hãy dạy trẻ biết những  điều tiêu cực, chưa hay để mà tránh. Giúp trẻ biết đối mặt với thất bại sau những giọt nước mắt… và hơn hết, hãy giúp trẻ nhìn về phía trước chứ không chỉ là hôm nay!

 Đảm nhận vai trò cố vấn tâm lý cho chương trình The Voice Kids mùa đầu tiên,  có điều gì anh đặc biệt lưu ý với các huấn luyện viên và MC của chương trình để vừa phù hợp với format  vừa phù hợp với tâm lý các bé?

Xin chia sẻ rất chân thành là những gì cần nói, tôi đã nói với các huấn luyện viên… Và mong quý phụ huynh và các khán giả hãy an tâm vì các huấn luyện viên cực kỳ cầu thị… và đáng yêu.

Điều  mà chúng tôi đặc biệt chú ý  là phải hết sức tôn trọng sự riêng tư cũng như sự an toàn về tâm lý của trẻ dù kết quả có ra sao…

Những câu hỏi là vấn đề mà chúng tôi thường chuẩn bị cho trẻ: con hãy nhớ xem có bao nhiêu bạn thí sinh đã dừng cuộc chơi trước con, con có nhớ những niềm vui mà con đã có, con sẽ làm gì nếu con dừng cuộc chơi, con có biết hình ảnh đẹp nhất của con khi lên hình là những món quà thú vị mà cuộc đời này không dễ có lại lần hai, đây có phải là lần cuối cùng hay cuộc thi cuối cùng trong đời con???…

Chúng tôi muốn kết hợp giữa sự tự tin của trẻ và cách đối mặt với những áp lực nhưng đồng thời vẫn phải tạo cơ hội cho cảm xúc thăng hoa. Đây cũng chính là  những áp lực mà chúng tôi đã  phải đối mặt không ít!

 The Voice Kid đã đi được nửa đoạn đường, đã có sự cố nào mà các huấn luyện viên phải “ đặc biệt”  nhờ đến sự giúp đỡ của anh chưa  ?

Phải cảm ơn các huấn luyện viên vì các anh chị đã rất hết mình. Cũng phải cảm ơn các anh chị MC đã làm cho chúng tôi không trở nên quá sức.

Những giọt nước mắt… có thể hiểu là những sự cố hay không nhỉ? Với tôi thì nước mắt dù có rơi trên sân khấu hay sau cánh gà cũng  không quan trọng bằng đằng sau giọt nước mắt ấy là gì… Đừng cho rằng một thí sinh khóc là đáng sợ nếu như chúng ta không hiểu rõ nguyên nhân. Chỉ vì hát không tốt như lúc tập cũng khóc,  thấy gia đình lo lắng quá… cũng khóc chứ không hẳn chỉ là thất bại hay thua cuộc… Điều cần làm là, đừng căng thẳng hay biến giọt nước mắt ấy trở nên khủng khiếp mà phải tìm cách hóa giải nó.

Làm các Gameshow cho thiếu nhi không hề đơn giản, theo anh các nhà sản xuất cần lưu ý gì về mặt tâm lý của các  bé để tránh những “tai nạn” đáng tiếc xảy ra?

Những lưu ý cần thiết đó là tránh những tổn thương không đáng có, tránh sự già dặn đáng sợ, tránh những thái độ quá khích, tránh kiểu ăn thua quá đáng… Đặc biệt, không được biến trẻ trở thành công cụ của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào kể cả cha mẹ của trẻ đi nữa… Tôi cho rằng, phòng ngừa bằng sự chuẩn bị tâm lý cùng với sự quan sát kịp thời và bao quát để ngăn chặn sự cố là điều cần thiết…

Xét dưới góc độ khoa học và nhân văn, đây là quyền mà trẻ em được hưởng, đồng thời cũng là một yêu cầu về trách nhiệm cần được thỏa mãn…

Hiện nay có một số Gameshow không  hạn chế độ tuổi tham gia như Vietnam’s got talent, Bước nhảy đam mê ( sắp sửa lên sóng)…, theo anh có nên đặt các em vào sự cạnh tranh với người lớn ?

Tôi cho rằng không thể lấy số tuổi để đo đam mê hay bản lĩnh… Nhưng giới hạn thấp nhất và cao nhất thì cần có.

Mặt khác, những yêu cầu về tâm lý khi một người chưa thành niên tham gia một hoạt động xã hội, một chương trình thi cử, một hình thức xuất hiện trên truyền thông cần phải đảm bảo: sự cho phép của nhà trường, sự cam kết của gia đình… nhưng hơn hết là sự quyết tâm và bản lĩnh của trẻ. Điều này cần được thực hiện dựa trên sự đo lường về tâm lý một cách nghiêm túc!

Tâm hồn trẻ thơ rất non nớt, những người làm truyền hình, báo chí và ngay cả khán giả phải chú ý những gì để các bé  không bị tổn thương khi tham gia các chương trinh truyền hình thực tế ?

Hãy giúp cho những người tạo ra sản phẩm văn hóa có một phông nền văn hóa thực sự vững chắc, có những sự thích ứng  nhẹ nhàng và tinh tế khi làm truyền hình cho trẻ em. Tất cả sự phấn khích quá đáng hay sự công kênh quá sức đều không được phép.

Hãy chuẩn  bị những kỹ năng nền tảng và chuẩn bị bản lĩnh để đối diện với những áp lực ở trẻ… Đừng chụp mũ, đừng khái thác quá mức đến độ dồn ép, đừng vội vàng ném đá… thì vấn đề an toàn đã được thực thi ít nhiều

 Đối với những bé có khả năng nổi trội hay đạt giải cao trong các cuộc thi, chúng ta nên làm gì để tránh cho các em có tâm lý ảo tưởng và tự mãn quá sớm?

Hãy giúp cho trẻ hiểu rằng thành công là một chặng đường chứ không phải là một bước đi hay một đêm thi, một cuộc thi…

Mỗi người một chút, cần hoàn thành vai trò của mình để huấn thị và chia sẻ với trẻ. Cha mẹ, thầy cô, huấn luyện viên, anh chị, người thân… hãy kể  những mẩu chuyện về những người chuyên huyễn hoặc mình, hãy lấy chính mình làm ví dụ như một người trong cuộc, hãy nói về  những viễn cảnh, hãy đặt những câu hỏi phản biện… Tất cả những hành trang ấy đều thực sự cần thiết và bổ ích cho trẻ.

Xin cám ơn anh rất nhiều!

Bảo Anh ( thực hiện)

 

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *