Trượt đại học, tôi bị xem là đồ… ăn hại

‘Giá mà Bố chịu nghe con nói một lần, giá mà Bố chịu hiểu cho đứa con này, thì tình cảm Bố con mình sẽ đẹp lên biết mấy và con của Bố sẽ đâu phải trở thành một đứa trẻ trầm cảm!’

Đó là lời chia sẻ tận đáy lòng của bạn S., một sinh viên của trường Cao Đẳng, một thí sinh trượt Đại học sau khi xem clip của PGS TS Huỳnh Văn Sơn đăng trên youtube vào ngày 21/7.

“Tôi là một cậu học sinh ngoan, là học sinh khá giói trong 12 năm liền. Trong gia đình và xã hội, tôi luôn cởi mở, luôn vui vẻ và hòa đồng. Mọi người luôn nghĩ rằng, tôi sẽ đậu vào đại học 100% vì tính chăm chỉ, cần cù và chịu khó của tôi.

Sau ngày thi ĐH, cả nhà chỉ hướng về điểm số của tôi để mong đợi… Thế nhưng những sự kì vọng chỉ là sự kì vọng khi kết quả thi ĐH của tôi lại trượt… Vì sự kì vọng quá nhiều vào con trai, vào đứa cháu, thế nên áp lực mà tôi gánh phải là cực kì nặng. Mọi thứ, từ lời ăn tiếng nói đến hành động của mọi người thân, đều quay sang chĩa vào tôi mang tính đàn áp chỉ vì không đậu nổi Đại học.

Tôi trở nên lầm lì, ít nói so với ngày xưa. Từ một cậu hoạt náo viên, một anh chàng hay nói và cười, tôi trở nên im lặng khác thường. Có người bảo rằng tôi tự kỷ… Người thì nói tôi bị trầm cảm. Người thì nói tôi thay đổi nhiều do trưởng thành… Có lần Bà bảo: Chắc nó thất bại nên thành ra chững chạc hơn…

Cũng hay! Tôi không còn bạn bè hỏi thăm. Gia đình – chỗ dựa thân quen, cũng chỉ trích và bỏ quên. Duy chỉ có mẹ, là người động viên, an ủi lớn nhất về mặt tinh thần để tôi đăng kí học Cao đẳng.

Về phần Bố, Tôi và Bố không nói với nhau quá một câu trong vòng ba tháng. Bữa cơm, buổi ngủ hay bất kỳ nơi nào gặp mặt, là bố mắng… Chỉ vừa cầm chén cơm thôi, Bố đã bảo rằng: “Con với cái, học hành chỉ có cái ĐH mà cũng rớt thì làm ăn cái gì”, hay “Thôi ăn làm gì cho tốn cơm khi mà không đậu ĐH”, và hơn thế nữa: “Ăn hại”. Những lời nói đó đã làm tổn thương đến tôi, khi mà lúc này, tôi cần gia đình hơn cả, cần ai đó chia sẻ, hỏi han.

Thế nhưng, nó hoàn toàn đi ngược. Tôi thấy sa sút hẳn về tinh thần. Là đứa con trai, vậy mà tôi làm quen dần với nước mắt… Tôi cũng không biết mình đi đâu sau mỗi buổi chiều chỉ biết chạy mãi cho vơi đi nỗi nhục… Đến mệt, tôi mới tìm đường về nhà khi gần lả người…

Vào Cao đẳng, cũng không có ai nói chuyện với tôi. Tôi càng trở nên khép kín. Chỉ biết ngồi chơi một mình, không nói chuyện với ai. Tôi hay lén ăn cơm một mình. Đi vệ sinh hay rửa mặt cũng rón rén vì sợ phải nói chuyện, hỏi han, trả lời…

Khi chợt nhận ra con mình thay đổi, mẹ tôi đã phải tốn rất nhiều tâm huyết. Tôi sợ lắm sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ trong gia đình mà vốn tôi xem là tổ ấm lúc xưa.

Mẹ đã cùng khóc với tôi sau một đêm mưa. Tôi quyết định cố gắng lại từ đầu. Còn với Bố, có lẽ sau 4 tháng giận hờn và dằn vặt trong tâm trí, phát hiện con trai của mình trầm cảm, phần nào an ủi và quan tâm hơn. Tôi nói với chính mình trong đêm vắng: “Giá mà Bố hiểu mình nhỉ, giá mà lúc đó gia đình quan tâm thì có lẽ bây giờ và Bố vẫn có thể như ngày trước, vẫn chơi đùa hỏi han nhau từng câu, nhưng có lẽ đó lại là một mơ ước giản đơn mà thôi …”

Bởi sự chỉ trích từ gia đình, sự quay lưng của bạn bè, những cái nhìn ác cảm của người xung quanh, sự tôn vinh những người thi đậu, thủ khoa… đã hô biến một cậu bé từ vui tươi trở nên lạnh lùng, vô cảm và khép kín. Liệu rằng trượt Đại học có phải là con đường cụt của tương lai? Nhưng trước mắt, nó là con dao hai lưỡi, gây ra những hệ lụy đau lòng, mà các bậc làm cha, làm mẹ nên hiểu và thông cảm cho đứa con của mình. Bởi sự quan tâm và thương yêu của chính các bậc cha mẹ sẽ là nguồn độc lực to lớn nhất cho đứa con của mình.

Tôi muốn hét thật to khi xem lại hình ảnh của mình ngày trước trong clip của Thầy Sơn… Đơn giản chỉ vì tôi muốn nói: Tôi từng như thế. Sao mọi người bất công với thằng bé… sao mọi người tàn nhẫn với tôi như thế… dù giờ đây tôi sắp tốt nghiệp và vào đời…

Cảm ơn Thầy Sơn… Nhưng giận Thầy Sơn quá… Sao thầy không làm clip này sớm hơn vài năm… Sao thầy phải cho thằng bé đâm dao nhọn vào người… Sao phải cho máu đổ, tinh thần khủng hoảng… Sao thầy lại chạm vào nỗi đau của em… Em yếu đuối, em học kèm hay em bất tài?

Phải chăng vì thế nên em có tội với gia đình và xã hội, thầy nhỉ? Giận Thầy quá, buồn Thầy quá vì sao em không được nâng đỡ lúc em té ngã??? Mà không! Đó chính là tiếng lòng của Thầy, là tiếng lòng của nhiều người như em… Vì thế, có buồn chút nhưng lại thầm cảm ơn.

Thầy… Thầy đã nói hộ lòng em…”.

TàoNga

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *