Vẫn biết rằng, tham gia bất kỳ cuộc chơi nào cũng có nghĩa là sẽ chấp nhận đối mặt với mọi sự khắc nghiệt, tuy nhiên nếu nhìn thấy con trẻ khóc ngằn ngặt trên sân khấu hay sau cánh gà khi biết mình bị loại, không ít bậc phụ huynh cảm thấy xót xa. Vấn đề được đặt ra là các huấn luyện viên (HLV) có nên vì quá chú trọng đến việc tăng kịch tính của chương trình mà vô hình trung đưa con trẻ vào thế bị “tra tấn” tâm lý…
|
Thí sinh Quỳnh Anh khóc nức nở sau cánh gà sân khấu khi hay tin mình phải rời cuộc chơi. Ảnh: TL |
Từ những giọt nước mắt xót xa…
Có mặt trong liveshow 4 của chương trình “Giọng hát Việt nhí” tối 13/9, nhiều bậc phụ huynh đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến các thí sinh nhí bị loại khóc nức nở trên sân khấu và sau cánh gà. Thí sinh Quỳnh Anh của đội HLV Lưu Hương Giang – Hồ Hoài Anh đã tỏ ra rất căng thẳng, đầy hồi hộp và lo lắng trong lúc chờ đợi kết quả từ 2 HLV. Và khi nghe HLV công bố chọn Hoàng Anh đi tiếp, Quỳnh Anh đã khóc thét lên khi bước vào hậu trường. Vốn ốm yếu, lại vừa bị cảm nên việc Quỳnh Anh khóc quá nhiều khiến gia đình, người thân, HLV và những người xung quanh rất lo lắng cho sức khỏe của cô bé. Mặc cho mọi người khuyên bảo, động viên… cô bé “bánh mỳ cháy” vẫn đẫm nước mắt và không giữ được bình tĩnh.
Tương tự, được xem là thí sinh vui vẻ, hiếu động và hay cười nhưng khi biết tin mình phải dừng cuộc chơi, ở hậu trường, thí sinh Đoàn Minh Tài của đội HLV Cẩm Ly bật khóc nức nở. Hai thành viên còn lại của đội là “cô bé nhà nông” Thiện Nhân và “hot boy mắt hí” Mai Chí Công cũng không giấu được những giọt nước mắt tiếc nuối vì phải chia tay người anh thân thiết. Ở các đêm thi trước của “Giọng hát Việt nhí”, trong khi chờ đợi quyết định của HLV, nhiều thí sinh cũng nước mắt lưng tròng khi chờ đợi kết quả, gia đình và HLV phải động viên, an ủi rất lâu mới bình tĩnh trở lại.
Trong chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí” cũng từng xảy ra trường hợp, khi nghe Đoan Trang – Phan Hiển công bố chọn Hoàng Sơn, bé gái 8 tuổi Phương Trinh cũng bất ngờ thét lên và khóc òa trên sân khẩu. Cả đội phải vây quanh Phương Trinh để động viên nhưng cô bé càng khóc to hơn.
Thực ra, trong hầu hết các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đều có những cảnh tượng đau lòng này, nhất là khi các thí sinh biết mình bị loại khỏi cuộc chơi. Việc các HLV chỉ quan tâm đến tăng kịch tính của chương trình bằng cách đưa ra những lời tuyên bố mang lấp lửng hoặc do dự mà quên đi sự hồi hộp của thí sinh đã vô hình trung đẩy thí sinh vào thế bị “tra tấn” tâm lý. Với người lớn, phải trải qua những khoảnh khắc chờ đợi, âu lo, căng thẳng… đã là một cực hình. Và với con trẻ, không gì xót xa hơn khi phải chứng kiến cảnh các cháu hoang mang, lo lắng, bất ổn… khi đứng chờ sự phán quyết dài dòng từ phía các HLV.
Làm sao giúp con đối đầu thất bại?
Các thí sinh trong đội HLV Cẩm Ly ôm chầm lấy Đoàn Minh Tài khóc nức nở khi biết phải chia tay nhau. Ảnh: TL |
Có tàn nhẫn và bất công không khi bắt con trẻ trở thành “nạn nhân”, làm tăng kịch tính trong những trò chơi của các nhà sản xuất? Dưới góc độ của một bà mẹ, nhạc sỹ Lưu Thiên Hương cho rằng, thấy con trẻ khóc không ai là không thương xót nhưng việc khóc của con trẻ đôi khi có rất nhiều lý do. Một bạn khóc thì các bạn khác cũng có thể khóc theo. Nước mắt đôi khi là cảm xúc của con trẻ chứ không hoàn toàn vì sốc. Tuy nhiên khi cho con tham gia bất kỳ cuộc thi nào, bố mẹ cũng phải hiểu hết tính nết của con và phải chuẩn bị cho con mọi thứ, kể cả tâm lý cho việc con có thể sẽ bị loại.
“Cá nhân tôi là người làm nghề, nếu tôi muốn con tôi sau này vững vàng trên sân khấu và cuộc sống sau ánh đèn, có lẽ ở độ tuổi này tôi cũng sẽ cho con va vấp với thực tế. Tôi tin, nếu tham gia “Giọng hát Việt nhí” lần nữa, các con đã khóc ở năm nay (nếu có bị loại) sẽ không khóc nữa đâu vì các con đã được rèn luyện và có thêm được một trải nghiệm, vì hoạt động nghệ thuật không như các nghề khác. Tôi là người mẹ khắt khe và muốn con tôi sau này có gặp trường hợp đó cũng không hề hấn gì, giống như được “tiêm một mũi vaccine” và nếu xác định cho con tôi theo đuổi nghề, năm nào cũng sẽ “tiêm vaccine” cho con”, nhạc sĩ Lưu Hương Giang nói.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học, thì mỗi một chương trình đều có những thách thức, vấn đề là sự thách thức đó đến đâu, có thể chấp nhận được hay không… Đừng nghĩ thi học sinh giỏi không đau, không khóc, không trăn trở, không stress…, quan trọng là các phụ huynh phải sát cánh cùng con và xử lý khủng hoảng nếu có. Việc cho con trẻ tham gia những sân chơi truyền hình, các phụ huynh phải ước lượng được sức chịu đựng của con mình. Tuy nhiên, việc chăm chút trẻ tới từng chút một cũng không hẳn tốt. Quan trọng nhất, trẻ cần được trải nghiệm phù hợp. Các phụ huynh cần chuẩn bị cho con mình tinh thần và tâm lý; hiểu về con để cân nhắc, dự phòng những trắc trở; làm bạn với con, hết mình với con nhưng không quá bị động thì vấn đề của con sẽ được giải quyết.