TỰ TIN ĐỂ DIỄN THUYẾT THÀNH CÔNG

Thuyết trình tự tin và hiệu quả

Thuyết trình tự tin và hiệu quả

Trong xã hội hiện nay, để thành công trong công việc, chúng ta phải có kiến thức sâu rộng, sự tự tin, khả năng làm chủ tình huống… Trong đó, kỹ năng nói chuyện trước công chúng cũng là một trong những hành trang thiết yếu cho các bạn trẻ bước vào đời

Khắc phục tính nhút nhát

Khá nhiều bạn trẻ tỏ ra rất lúng túng khi thử đóng vai một nhà diễn thuyết nói về một vấn đề nào đó trước đám đông. Sự lúng túng bắt nguồn từ sự thiếu tự tin, nhút nhát cũng như thiếu kỹ thuật và phương pháp nói chuyện trước đám đông.

Bên cạnh đó, việc đứng trước nhiều người để trình bày một vấn đề nào đó thường hay làm bạn mất tự nhiên, lời nói trở nên gượng gạo. “Xin chào mọi người, mình là…, hôm nay mình sẽ nói với các bạn về vấn đề…”, là cách mở đầu thường thấy của các bạn trẻ khi bắt đầu cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai, người đã từng thực hiện rất nhiều cuộc nói chuyện trước công chúng, thì cách mở đầu này cần phải xem xét lại.

Bởi, trong một cuộc nói chuyện, bạn phải xác định được đối tượng đang lắng nghe mình: họ bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ, trình độ học vấn… để có cách xưng hô thích hợp chứ không thể “chào mọi người” hay xưng “mình” và “các bạn” một cách tùy tiện, điều này sẽ tránh được sự khiếm nhã, thiếu tôn trọng nếu người tham dự lớn tuổi hoặc có chức vụ cao…

Hơn nữa, do nhút nhát, một số bạn khi nói trước đám đông thường không biết cách sắp xếp, hệ thống các ý tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng và khoa học, dẫn tới việc “đóng băng” trên diễn đàn. Lúc ấy, nhịp tim của người diễn thuyết đập nhanh hơn, bạn lúng túng không biết dựa vào đâu để tiếp tục cuộc nói chuyện vì những ý tưởng chuẩn bị sẵn trong đầu chạy biến đâu mất. Kết quả là bài diễn thuyết bị thiếu mạch lạc và trở nên nhàm chán.

Như vậy, vấn đề quan trọng là bạn phải làm sao để cởi bỏ được áp lực tâm lý khi nói chuyện trước công chúng. “Bạn hãy hiểu rằng, mình đang giao tiếp với mọi người bằng những lời lẽ mang tính trí tuệ, chia sẻ với mọi người những ý tưởng mà bạn đang ấp ủ trong đầu. Trước mặt bạn là 2 người hay 200 người? Đừng để ý đến con số này. Điều quan trọng là để tâm vào bài diễn thuyết, thực hiện đến cùng lời nói của mình và luôn giữ cho nó liền mạch”- tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Theo bà Lý Thị Mai, để cuốn hút người nghe, tạo tiền đề cho một cuộc nói chuyện thành công, ngay từ phần mở đầu, bạn nên đưa ra một sự kiện, trích dẫn một lời nói hay một câu thơ, hoặc có thể lồng vào một vấn đề thời sự đang gây chú ý vào thời điểm đó, để khơi gợi sự tò mò của người nghe. Bài thuyết trình thực sự hấp dẫn nếu người nói biết dẫn những chứng cứ xác thực, số liệu biết nói… cùng cách trình bày chân thật, nhiệt thành, thường xuyên có những câu hỏi hay những lời pha trò để tạo hứng khởi cho người nghe.

Rèn luyện để vượt qua sự cố

Công việc chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện trước đám đông rất quan trọng. Bạn nên dành thời gian để cô đọng những ý tưởng cần nói, tổng kết những ý tưởng này bằng các gạch đầu dòng, sau đó khai triển mở rộng chúng trong quá trình nói. Theo bà Lý Thị Mai, đề cương cho cuộc nói chuyện chính là kim chỉ nam giúp bạn không đi lệch hướng, nhưng bạn phải làm chủ đề cương chứ không để đề cương làm chủ mình.

Ngoại hình cũng là một phần rất quan trọng. Bạn cần chuẩn bị trang phục, cách trang điểm phù hợp, luôn giữ nét mặt tươi tắn, thân thiện, cách đi đứng đúng mực và biết sử dụng micro có hiệu quả. Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, muốn trở thành người giỏi nói chuyện trước công chúng thì bạn phải chịu khó thực hành. Bạn nên tình nguyện nói chuyện trước một nhóm người (nhóm bạn) vào thời gian rỗi để làm quen với cảm giác nói trước công chúng. Khi bạn cảm thấy tự tin hơn, bạn có thể nói trước một cuộc họp lớn với nhiều lãnh đạo tham gia. Mục đích của việc này là để bạn tìm ra sai sót của mình trong quá trình nói và tự sửa chữa.

Theo bà Lý Thị Mai, trong cuộc nói chuyện luôn có thể xảy ra những sự cố không mong muốn khiến bạn dễ bị mất điểm. Chẳng hạn có khán giả đặt câu hỏi khó, ngoài khả năng trả lời của bạn, trước tình huống này, bạn hãy khéo léo từ chối bằng cách ghi nhận vấn đề mà vị khách nêu ra và xin phép được trả lời vào một dịp khác. Cũng có trường hợp người nghe không tỏ thái độ hợp tác, họ làm việc riêng hoặc gây ồn ào, thì bạn nên xem lại cách nói của mình có hấp dẫn hay không, có thể nhắc nhở nhẹ nhàng bằng câu hỏi gây sự chú ý: “Tôi nói thế các bạn có ủng hộ hay không? Có vẻ như có bạn còn làm việc riêng phải không ạ?”. Nếu không có kết quả, bạn nên lờ đi và tiếp tục giữ thái độ hòa nhã, lịch sự để tập trung vào bài nói chuyện của mình, bởi trước mặt bạn còn rất nhiều người đang chú ý lắng nghe những gì bạn muốn nói…

Sưu tầm

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *