VÌ SAO HỌ ĐÃ LÀM ĐIỀU ĐÓ NHƯ THẾ???

1004978_10200609659475705_1139653083_nNhiều tin tức liên tục về việc ứng xử với học sinh trong thời gian gần đây làm nhiều người khá bàng hoàng. Câu hỏi họ đã làm điều đó như thế nào cứ làm chúng tôi trăn trở. Trời ơi – hình ảnh thật đẹp của một người thầy sao bây giờ lại trở nên như thế??? Một em bé ngây thơ 18 tháng bị chết lâm sàng khi người giữ trẻ thừa nhận có dán băng keo vào miệng cho bớt khóc ngay hôm kia, một học sinh vị thành niên bị dân phòng đánh đập đầy thương tích dưới sự “giao khoán” của người quản lý trường học, một học sinh tiểu học vẫn chưa thoát được cơn sang chấn tâm lý vì trải qua những ám ảnh khủng hoảng về việc cư xử của thầy cô giáo trong sự phối hợp lạnh lùng và vô cảm với công an, nhiều thông tin trong nước và cả một số quốc gia khác về nỗi ám ảnh khi đi học… xuất hiện

Dẫu biết rằng vẫn có nhiều hình ảnh rất đẹp của những thầy cô tận tuỵ, vẫn biết rằng vẫn còn đây những gương sáng trong ngành giáo  dục lặng thầm hay lặng lẽ nhưng… quả thật không thể chấp nhận được. Đến lúc này đây, giáo dục và dạy học không phải và không thể là một nghề mà là một cái nghiệp hay một lý tưởng lại trở nên bừng sáng. Không phải một nghề để có thể mở trường kinh doanh một cách đại trà (dù là mầm non tư thục, dân lập hay nhóm trẻ gia đình), không phải đơn giản chỉ là công việc để kiếm sống ngõ hầu mạnh dạn trở thành nhân viên giữ trẻ hoặc bảo mẫu – cấp dưỡng khi không qua đào tạo hoặc không được đào tạo đến nơi đến chốn… Càng không thể thoải mái và vô tư đến mức có thể quản lý theo kiểu “chủ nô” hay “điền chủ” để giao phó vận mệnh của học sinh mình cho người khác đánh đập – phán xét… Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng không thể không đề cập đến những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề mà nói chính xác hơn đó chính là lương tâm nhà giáo cũng như năng lực nghiệp vụ.

beat-427173-1368220235_500x0Nhiều góc nhìn khác nhau sẽ cho ra những kết luận khác nhau nhưng có thể nói nhìn về quá trình đào tạo mới thấy đáng sợ. Thành lập khoa mới chuyên đào tạo giáo viên mầm non nhưng phải mượn danh sách giảng viên trường khác để hợp thức hóa mở mã ngành, các khoa – các ngành cứ “rộng” hóa số tiết để nâng dần kinh phí đào tạo (do nhiều tiết là nhiều kinh phí) mà đôi lúc chưa kể đến chuyên môn sâu hay mục tiêu đào tạo… Nhiều năm liên tục, thời lượng việc đào tạo nghiệp vụ làm nghề dưới góc nhìn đào tạo con người, đào tạo người làm việc với con người bị cắt giảm một cách đáng sợ. Tâm lý học – môn học chìa khóa để có thể có cách hành xử tỉnh táo, nghệ thuật và khoa học (chưa kể Giáo dục học) cứ bị rơi rụng theo cấp số cộng trong việc  đào tạo ở Đại học sư phạm. Từ những năm 2000 về trước, với số lượng tiết lên đến 120 dành cho môn này thì bị hạ bệ xuống còn 90 tiết (vào năm 2004) và từ năm 2007 tụt xuống chỉ còn 75 tiết mà không rõ cơ sở khoa học???. Không những thế, khi yếu tố công nghệ cứ lấn át, nhiều giảng viên cứ tập trung quá mức theo hướng hiện đại hóa việc dạy học mà việc đào tạo về nhân cách người thầy ít nhiều bị xem nhẹ.

Đừng nên hỏi họ đã làm điều đó như thế nào mà hãy xem vì sao họ đã làm điều đó như thế. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng đó là con người nhưng khi con người chưa được đào tạo kỹ lưỡng thì sao có thể làm nghề tốt?. Điều này nhất thiết phụ thuộc rất nhiều vào chương trình đào tạo, định hướng đào tạo… để ra lò sản phẩm. Nhưng hỡi ôi, người đào tạo và cả một bộ môn đào tạo vẫn chưa được quyết định chương trình đào tạo của chính mình mà do một lực lượng khác không trực tiếp thực hiện quyết định dùm vì lý do đó là phần cứng!!!

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *