(PetroTimes) – 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau trong vòng 7 ngày tết, đó là con số thống kê gây kinh hoàng và cho thấy tính hung hăng của nhiều người đang ở mức báo động!
Cũng nói thêm rằng, con số 6.200 người đánh nhau đến nhập viện mà Bộ Y tế công bố chỉ là phần nổi từ việc thống kê tại các bệnh viện. Còn con số thực về người đánh nhau, nhưng đã được xử lý tại gia đình, đánh nhau nhưng hậu quả không đến mức phải tới bệnh viện, các vụ đánh nhau chỉ đến trạm y tế địa phương hay bác sĩ tư… thì chưa được cập nhật. Và chắc hẳn con số ấy cũng không hề ít!
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân đánh nhau chủ yếu là do uống rượu bia và do va chạm giao thông khi đi vui xuân, chúc Tết… Nói chung người ta rất dễ đánh, đâm chém nhau chỉ vì những lý do rất vô cớ!
Mời rượu nhưng không uống, hay uống dối dẫn đến lời qua tiếng lại – đánh nhau; đứng chen lấn mua vé, va chạm mà không nói lời xin lỗi – đánh nhau; nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời – đánh nhau… Đôi lúc chỉ vì sự va chạm tình cờ trên đường phố cũng dẫn đến những trận thư hùng hỗn loạn. Đó là những lý do mà người ta rất hay bắt gặp trong tít những bài báo về các vụ ẩu đả dẫn đến thương vong trong xã hội ngày nay.
Chia sẻ với PetroTimes về tình trạng này, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng, tính cốt lõi của vấn đề chính là sự hung tính trong hành vi của con người đã bị đẩy lên mức thiếu kiểm soát!
“Phải thừa nhận rằng, sự hung hăng của con người có những biểu hiện gia tăng khi nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng nắm đấm đã xảy ra. Đó là biểu hiện của sự hung hãn, của hành vi bạo lực, của sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Trả lời câu hỏi vì sao con người ta lại ngày càng trở nên hung hăng như thế, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích, đầu tiên là do các cá nhân đánh nhau kể trên đã thiếu sự cân nhắc trên bình diện bản thể dẫn đến sự hung hăng ngay trong phản ứng.
Lái xe taxi đánh nhau giữa đường
Còn xét trên tầm nhìn vĩ mô thì có những nguyên nhân sâu xa như sau: Do nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục hành vi ứng xử theo giá trị hòa bình, tôn trọng; gia đình chưa thực sự đã dắt con vào đời với những kỹ năng sống; những chiến lược, những dự án dài hơi về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái theo những chuẩn mực chưa được thực thi một cách bài bản…
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì tất cả những thiếu sót nêu trên chính là độ chênh giữa sự phát triển kinh tế và độ “sâu – bền” của xã hội.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân đặc biệt quan trọng cần được cả xã hội lên tiếng, lưu tâm đó chính là bạo lực học đường.
Theo một đề tài nghiên về bạo lực học đường của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn với đối tượng là học sinh Trung học ở Cần Thơ, kết quả cho thấy có đến 45,8% cho rằng bạo lực xảy ra ở mức “bình thường”; đáng nói là có đến 1/4 , tức 26,1% số học sinh được khảo sát cho rằng: bạo lực xảy ra ở mức nhiều và rất nhiều.
“Rõ ràng, ngay từ học sinh đã bạo lực thì cớ sao đến lớn, đến khi trưởng thành người ta ít bạo lực hơn, nếu xét theo hành vi diễn tiến không được kiểm soát, không điều chỉnh?”. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định: Chính bạo lực học đường là những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến biểu hiện hung hăng của con người trong một tương lai không xa.
Có thể nói, ngay trong môi trường học đường, việc giảng dạy những giá trị đạo đức nhân văn, những giá trị ứng xử chưa được quan tâm và thực thi một cách hữu hiệu thì những nhận thức lệch lạc, thái độ tiêu cực và những hành vi lệch pha mang màu sắc của sự hung hãn, bạo lực có nguy cơ tái xuất hiện là điều hoàn toàn có thể. Người trưởng thành của ngày mai không ai khác chính là những học sinh hôm nay!
Nữ sinh đánh nhau trên đường
Ngoài ra, xét ở góc độ khác, khi mà vòng tròn yêu thương trong mỗi người ngày càng nhỏ hẹp thì chuyện ẩu đả nhau vì một mâu thuẫn nhỏ cũng là chuyện dễ xảy ra. Bởi khi đó, người ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, vì cái lợi của mình, đôi lúc chỉ là vì muốn nhanh chút, hơn một chút, không muốn thua – thiệt… người ta trở nên ích kỷ, thích tự khẳng định và trở nên lạnh lùng.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Rõ ràng ai cũng muốn khẳng định mình, giành cho mình phần thắng. Vì vậy, người ta dễ dàng ẩu đả hay đánh nhau, và bạo lực hay sự hung hãn trở thành bộ mặt thật của nhiều con người hôm nay”.
Ông trăn trở: Chính những người chứng kiến, đặc biệt là trẻ em nhìn về các vụ đánh nhau trong Tết vừa qua mới là hệ lụy đáng buồn. Bởi liệu họ sẽ chuyển sang bạo lực chủ động? Họ sẽ thủ thế, hay sẽ thủ thân bằng những hung khí trong mùa Tết sau?…
“Đó mới chính là sự gia tăng xét trên bình diện văn hóa – giáo dục tương tác”, ông nói.
Trúc Vân (tổng hợp)